Ngoài kỷ luật nội bộ, nhân viên ngân hàng MB tung sao kê tài khoản Hoài Linh phải chịu trách nhiệm gì?
Nếu nhân viên ngân hàng cố ý cung cấp tài liệu bí mật của khách hàng tại ngân hàng đó thì tuỳ theo mức độ để xử lý, người thực hiện có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bản sao kê tài khoản của danh hài Hoài Linh được nhân viên ngân hàng MB phát tán ra ngoài. |
Sau khi tìm ra nhân viên phát tán sao kê tài khoản của danh hài Hoài Linh, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ngay sau đó thông báo đã đình chỉ công việc đối với nhân viên này, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
MB cho hay, cá nhân này đã để lộ, lọt thông tin thông tin của khách hàng, vi phạm nghiêm trọng quy định của ngân hàng. Do đó, nhân viên này sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nội bộ.
Tùy từng ngân hàng sẽ có các mức độ phân cấp, phân quyền khác nhau, không phải ai cũng có quyền truy cập vào tài khoản của khách hàng để có thể dễ dàng lấy được thông tin. Cùng với ngân hàng, nhân viên ngân hàng được cấp quyền truy cập phải có nghĩa vụ đảm bảo an toàn bảo mật thông tin của khách hàng.
Hành vi của nhân viên MB không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của ngân hàng MB.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (đoàn Luật sư TP.HCM), trong trường hợp nhân viên ngân hàng cố ý cung cấp thông tin, tài liệu bí mật của khách hàng của ngân hàng thì tuỳ theo mức độ mà xử lý.
“Nếu hành vi đó dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế xã hội thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Mức độ xử phạt cũng tuỳ theo mức độ thực hiện hành vi” – Luật sư Huyền Trang nói.
MB Bank xác nhận một người làm việc tại ngân hàng này đã để lộ sao kê khách hàng. (Ảnh: L.H - Zing) |
Bí mật thông tin khách hàng là một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Cụ thể, khoản 1 Điều 4 Nghị định 117/2018/NĐ-CP nêu rõ:
Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Trong đó, ngân hàng chỉ được phép cung cấp thông tin trong các trường hợp khách hàng yêu cầu, khách hàng đồng ý, khách hàng cho phép; hoặc theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhà nước, cơ quan pháp luật (toà án, công an, cơ quan thuế,...).
Cá nhân nếu vi phạm nguyên tắc bí mật thông tin khách hàng bằng việc tiết lộ, công khai thông tin trái phép thì sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật từ phía tổ chức tín dụng từ khiển trách tới chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại nếu có.
Bên cạnh đó, tùy mức độ vi phạm, người thực hiện có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại khoản 4 Điều 47 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
Thậm chí, nếu trao đổi, công khai trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của nhiều người, hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngân Giang
Hé lộ người 14 lần chuyển khoản... 100 đồng cho danh hài Hoài Linh và lời cảnh tỉnh
Một thanh niên nhận tên là V sống tại Hà Nội do ham mê cờ bạc bị nợ số tiền lớn nên đã "đánh liều" cầu cứu Hoài Linh giúp đỡ bằng cách chuyển khoản nhiều lần, mỗi lần chuyển khoản từ 100 đồng - 10.000 đồng để nhắn tin nhờ giúp