"Nghiện" mua sắm vô độ, kiểm tra ngay xem có phải mắc bệnh tâm thần
Có những người cả buổi sáng mua tới hàng trăm triệu tiền hàng sau đó họ khóc lóc cảm thấy hối hận nhưng đến khi cơn hưng cảm xuất hiện họ lại không chịu được.
Mua cả chục đôi giày trong buổi sáng
BSCK II Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết ông nhiều lần tiếp nhận và điều trị cho những người "nghiện" mua sắm.
Bác sĩ Hiển cho biết trường hợp của chị Nguyễn Ngọc D.L. (34 tuổi, TP.HCM) tìm đến bác sĩ với tâm trạng hoang mang, lo lắng.
Chị D.L. có chồng làm ở một công ty lớn ở TP.HCM với mức thu nhập rất cao. Thẻ tín dụng của chị D. L. dùng là thẻ phụ của chồng nhưng hạn mức cũng lên tới hàng trăm triệu. Do chị D. L. tiêu dùng nhiều nên được ngân hàng xếp vào nhóm khách hàng vip và tự động tăng hạn mức lên lúc nào cũng không rõ.
Mỗi khi cơn nghiện mua sắm tới, chị D. L lại lao tới trung tâm thương mại, thậm chí mua hàng online. Có ngày, chị mua liền lúc cả chục đôi giày và người giao hàng chuyển đến tấp nập. Lúc nhận hàng, chị D. L vô cùng hối hận vì đã trót mua vô bổ, “vung tay quá trán”. Thế là chị giấu chồng những món đồ đã mua.
Tới khi chồng chị phát hiện hạn mức thẻ đã đạt 200 triệu đồng/tháng mà tháng nào vợ cũng không đủ chi tiêu thì anh nghĩ có lẽ vợ đã gặp vấn đề với chuyện mua sắm. Anh khuyên vợ tìm tới bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân. Sau thời gian điều trị, chứng hưng cảm mua sắm của chị D.L đã không còn.
BSCK II Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM |
"Nghiện" mua sắm do chứng hưng cảm
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cho biết không phải ai "nghiện" mua sắm cũng là bệnh lý. "Nghiện" mua sắm chia làm hai nhóm:
Nhóm thứ nhất, người "nghiện" mua sắm cho vui vẻ, xả stress. Có những người "nghiện" mua sắm hàng ngày và mỗi lần mua một ít. Ví dụ như có người ngày nào cũng thích vào siêu thị. Họ thích cảm giác được thư thái trong siêu thị, ngắm đồ trong trung tâm thương mại và khi chọn mua hàng họ mua ở ngưỡng cho phép, phù hợp túi tiền của họ.
Nhóm thứ hai đó là mua sắm khi có rối loạn lưỡng cực hay là cơn hưng cảm. Những người bị chứng bệnh này sẽ mua sắm vô cùng nhiều và chỉ mua ở giai đoạn hưng cảm, khi hết cơn hưng cảm họ sẽ không mua nữa. Lúc đó, người bệnh sẽ hối hận vì hành động mua sắm của mình.
Bác sĩ Hiển cho biết, việc chẩn đoán nhóm thứ nhất có phải là bệnh không khó hơn nhóm thứ hai. Tuy nhiên, nếu xác định được họ "nghiện" mua sắm theo kiểu cho vui, thích mua sắm mỗi ngày mua một ít, mua vài trăm nghìn một ngày, mua trong khả năng kiểm soát tài chính... thì đó là sở thích của họ, không phải bệnh cần điều trị.
Trong khi người thuộc nhóm thứ 2 như chị D.L thì bác sĩ gặp hàng ngày, hàng tuần. Những người này bị ảnh hưởng bởi những cơn hưng cảm dẫn tới mua sắm đến khi hết tiền, thậm chí có người buổi sáng chỉ mua quần áo, giày dép đã tới cả trăm triệu đồng.
Những người bệnh này sẽ phân hai loại cực hưng và cực trầm. Khi ở cực hưng họ mua sắm nhiều, vô lối và khi về cực trầm họ hối hận nhìn lại mình. Đó kiểu mua khi cơn hưng cảm đến, mua bất chấp đến khi hết tiền và sau đó họ khóc lóc, tiếc tiền. Hiếm người chỉ nghiện mua sắm một lần rồi thôi. Chứng nghiện mua sắm có thể kéo dài hai, ba tháng hoặc hơn, với vô số lần mua hàng “vung tay quá trán” trong một năm.
Khi đó, người nhà cần đưa bệnh nhân tới các cơ sở chuyên khoa tâm thần để điều trị. Việc điều trị không quá khó, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp cắt cơn hưng cảm cho người bệnh và dự phòng những lần hưng cảm tới.
Đặc biệt, đối với những người "nghiện" mua sắm thể này, bác sĩ thường khuyên người nhà thu thẻ lại bởi nếu còn tiếp tục chi tiêu trong thẻ thì họ sẽ chi tới khi nào hết tiền.
Khánh Chi