Ngang trái cô nàng "nghiện" mua hàng hiệu nhưng toàn dùng hàng fake
Mỗi lần có tiền Nga lại mua hàng hiệu, thậm chí có lần cô mua cái túi cả trăm triệu nhưng chỉ để ngắm còn lại toàn thân dùng đồ fake.
Chị Nguyễn Quỳnh Nga, sinh năm 1983 ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là một tín đồ của hàng hiệu. Chị Nga hiện làm việc cho một công ty tài chính nước ngoài, thu nhập khoảng 45 triệu đồng/tháng. Gia đình chị Nga khá giả, bố chị từng làm giám đốc một doanh nghiệp nhưng nay đã về hưu.
Chị Nga chưa lập gia đình, không áp lực về tài chính nên số tiền chị kiếm được phần lớn dùng để thỏa mãn thú vui mua hàng hiệu. Mỗi tháng chị đều mua cho mình 1 món hàng hiệu, chủ yếu là túi xách và giày cuar những thương hiệu xa xỉ trên thế giới. Chị Nga chơi thân với một người bạn cùng chung sở thích hàng hiệu nhưng có nguyên tắc một năm chỉ sắm 1,2 món đồ "cực chất".
Ảnh có tính chất minh họa |
Khoảng 7 năm trước chị Nga bước chân vào giới mua sắm hàng hiệu. Ban đầu chỉ là những buổi đi "săn" hàng giảm giá. Sau đó chị bập bõm tìm hiểu hàng hiệu và cũng mua cho mình một vài món nho nhỏ.
Tiến tới chị bước chân vào con đường mua sắm các sản phẩm tầm trung như Michael Kors, Coach, Furla… và tới bây giờ thì chị nghiền các sản phẩm thương hiệu Dior, LV, Valentino, Hermes.
Chị Nga cho biết mình có thể nhịn ăn, nhịn đi du lịch chỉ để mua hàng hiệu về ngắm. Đôi giày Hermes được đặt hàng từ Pháp về với giá hơn 40 triệu đồng nhưng chị chưa bao giờ sử dụng nó mà để nguyên trong hộp để ngắm nghía.
Không chỉ mua hàng mới, có những chiếc túi chị rất thích nhưng không đủ tiền mua nên tìm kiếm hàng thanh lý cho thỏa cơn nghiền. Chị khoe vừa mua lại một cái túi LV với giá 43 triệu đồng của một người khác ở Sài Gòn.
Các món hàng hiệu của chị Nga đều được giấu kín vào tủ vì sợ bố mẹ than phiền chuyện mua sắm vô độ. Một phần quá giữ gìn món đồ, phần khác sợ đồng nghiệp nói mình dùng hàng hiệu sang chảnh nên chị mua đồ về mà không dám dùng. Bạn bè thân thiết biết được sở thích hàng hiệu của chị thì lấy làm lạ lùng khi chị đi đâu cũng chỉ dùng những chiếc túi hàng fake.
Vậy là những chiếc túi cả nghìn đô chị Nga mua về ngắm một thời gian sau đó lại bán thanh lý với giá rẻ hơn. Năm ngoái, chị mua chiếc túi Hermes cả trăm triệu đồng sau đó ngắm 1, 2 tháng cho thoả cơn nghiền rồi lại tìm đủ mọi cách để bán lại nó cho tín đồ hàng hiệu khác, chấp nhận lỗ gần 1/3. Hay gần đây nhất, chị đã chi cả nghìn đô mua chiếc túi kẹp nách hiệu LV nhưng sau 1 tháng chị bán lại cho người khác với giá bằng một nửa.
Với tín đồ mê hàng hiệu như chị Nga thì mỗi lần thanh lý hàng đi cũng chật vật chẳng kém khi mua. Chị tham gia nhiều hội nhóm thanh lý hàng Authentic (hàng được kiểm định xác thực thương hiệu - PV) để bán lại hàng những khi chị cạn kiệt về tài chính.
PGS Tô Thanh Phương – nguyên PGĐ Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 chia sẻ, trong thời gian làm việc ông gặp rất nhiều bệnh nhân bị u uất, trầm cảm sau khi "nghiện" mua sắm và bị gia đình ngăn cản. "Nghiện" mua sắm, "nghiện" hàng hiệu hay "nghiện" bất cứ gì thái quá đều có vấn đề.
Có những người bị rối loạn phân liệt cảm xúc, càng bị căng thẳng thì hứng thú mua sắm càng bị kích thích, kể cả khi họ nghèo, giống như người nghiện ma tuý.
Rất nhiều phụ nữ "nghiện" mua sắm đã lâm vào tình trạng rắc rối, kinh tế gia đình bị sa sút. Lúc rơi vào tình trạng cùng kiệt đó, người tự nhận thức được thì sẽ thoát khỏi những rối loạn tâm thần, còn ngược lại, sẽ rơi vào tình trạng trầm cảm, suy nhược, rối loạn giấc ngủ, hoảng sợ, nặng hơn là có ý định tự tử.
TS Tô Thanh Phương khuyến cáo, người mắc chứng "nghiện" mua sắm trầm trọng rất có thể phải điều trị bằng các liệu pháp như một bệnh nhân.
K.Chi