Nhịn ăn, nợ nần chồng chất vì "nghiện" mua sắm online
Mua sắm online với nhiều người, nhất là chị em phụ nữ không còn đơn giản là cho nhanh, tiện lợi hay tranh thủ đợt giảm giá “khủng” nữa mà đôi khi đã trở thành "cơn nghiện".
Chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nội) là một nhân viên ngân hàng, thu nhập ổn định nhưng luôn khổ sở vì sở thích mua sắm online của mình. Mỗi năm vào dịp Black Friday chị Hà tốn hàng chục triệu đồng cho mua sắm.
Chị Hà chi sẻ mình "nghiện" mua sắm từ sau thời gian ở nhà sinh bé thứ hai. Khi đó, chị ít ra ngoài nên tranh thủ lên các trang điện tử mua sắm. Có những món đồ chị mua về rồi lại bỏ đi không dùng đến, hoặc rất nhiều món đồ mua về thấy không hài lòng. Mỗi lần nhận đồ thất vọng chị lại coi đó như một trải nghiệm, bảo rằng lần sau “cạch” shop đó ra. Thế nhưng tình cảnh đó vẫn lặp lại ở những lần tiếp theo.
Hàng ngày, các cuộc điện thoại gọi cho chị 90% là của shipper. Nhiều khi chị Hà còn không nhớ mình đã đặt mua gì cho đến khi nhận đồ.
Khi biết mình đã rơi vào trạng thái "nghiện" mua sắm, chị Hà chủ động tìm tới người quen làm bác sĩ tại một bệnh viện tâm thần. Sau khi được tư vấn, thực hiện bài trắc nghiệm, chị Hà biết mình đã mắc chứng trầm cảm.
Chị Hà được bác sĩ kê đơn thuốc trị trầm cảm. Đã 5 tháng trôi qua, chị Hà không bị những cơn thèm muốn mua hàng hành hạ.
Trường hợp của chị Vũ Thị Hồng (thành phố Thái Bình) có phần bi đát hơn. Chị Hồng nghiện mua sắm online tới nỗi có lúc trong túi chẳng còn đồng nào nên phải vay hàng xóm để trả tiền cho người giao hàng.
Chị Hồng thích mua online tất cả mọi thứ, từ lọ gia vị tới các mặt hàng gia dụng, đặc biệt là bỉm sữa của con.
Ảnh minh họa |
Chị Hồng kể để chi tiêu cho khoản mua sắm online, mỗi tháng chị đều cố gắng nhịn ăn. Bạn bè hiếm khi rủ được chị đi ăn hay café ngoài hàng quán vì chị còn để dành tiền trả hàng online. Nhiều món hàng chị mua về rồi lại bí mật giấu vào tủ vì sợ chồng phát hiện ra lại càu nhàu. Mà tai hại hơn cả là số tiền vay nợ để mua sắm của chị đã trở thành một "mối họa" có thể bại lộ với chồng bất cứ khi nào.
Câu chuyện "nghiện" mua sắm của chị Đỗ Mai Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tương tự. Chị Lan có nhiều bạn bè bán hàng online. Do ngày nào cũng thấy bạn bè đăng bán đủ loại mặt hàng, cái thì vài chục nghìn, cái thì lên tới vài triệu nên chị liền đặt mua rất nhiều theo cảm xúc "thích là mua". Biết nhiều món đồ không hợp với mình hoặc mình không có nhu cầu nhưng chị vẫn mua với lý do để dành cho người thân.
Mua hàng bạn bè thân quen nên hầu như chị không phải thanh toán ngay mà dồn tới cuối tháng hoặc kỳ lĩnh lương. Từ đó tình trạng lĩnh lương buổi sáng buổi chiều trả nợ mua hàng hết veo đã đeo bám chị Lan.
Dịp mua sắm siêu giảm giá 11/11 vừa qua, chị Lan "canh" suốt 2 tiếng đồng hồ chọn mua được rất nhiều đồ đẹp. Tuy nhiên, khi cộng dồn các món hàng mình đã mua lên tới hơn 30 triệu đồng thì chị Lan bàng hoàng dừng tay, hủy đơn, cái nào đã trót chuyển tiền cọc thì chấp nhận mất cọc.
Thạc sĩ, bác sĩ La Đức Cương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 cho biết, “nghiện" mua sắm đã từng được công nhận là một hội chứng rối loạn tâm thần cách đây nhiều thập kỷ. Những người mắc phải hội chứng này sẽ cảm thấy mất kiểm soát khi mua sắm cũng như thường xuyên cảm thấy háo hức, thỏa mãn khi thực hiện các giao dịch mua mới những thứ cần thiết hoặc thậm chí không hề cần dùng đến.
Bác sĩ Cương từng gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến than thở rằng họ "nghiện" mua sắm, mua sắm không biết chán và khi kiểm tra thì đó là dấu hiệu của trầm cảm. Sau một thời gian uống thuốc theo đơn của bác sĩ, bệnh nhân quay lại cho rằng họ không còn thích món hàng nào, nhìn mọi thứ đều vô cảm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự gia tăng của các trang bán hàng trực tuyến, ứng dụng và giao hàng tận nhà đã góp phần làm trầm trọng thêm chứng "nghiện" mua sắm. Những người "nghiện" mua sắm có thể dẫn tới các vấn đề tâm thần khác, trong đó có khó khăn chia sẻ với người khác, ảnh hưởng về thể chất cũng như có thể dẫn tới nợ nần.
Dấu hiệu nhận biết người "nghiện" mua sắm đó là mua sắm bất chấp lý do, mua sắm xong cảm thấy vui vẻ, mua sắm lệch với khả năng đáp ứng tài chính của mình, mua sắm xong giấu nhẹm người thân.
Cô vợ "nghiện" mua sắm lo giữ ví trước Black Friday, bão giảm giá cuối năm
Mỗi tháng tôi chi gần hết tiền lương để mua các món hàng online, vấn đề là nhiều khi mua xong về thấy hối hận và tiếc tiền.
K.Chi