Nghịch lý 30 điểm trượt ĐH: Nên thu hẹp mức điểm ưu tiên
Mùa tuyển sinh 2017, dư luận vẫn chưa xôn xao vì câu chuyện đầy nghịch lý, 30 điểm trượt ĐH vì tiêu chí phụ, vì cộng điểm ưu tiên, cách làm tròn điểm. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nhìn nhận một cách nghiêm túc xem có nên thay đổi quy định về điểm cộng ưu tiên để đảm bảo sự công bằng trong mùa tuyển sinh?
Trao đổi với Infonet về vấn đề trên, PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho hay: “Tôi nghĩ rằng, chính sách về điểm ưu tiên vùng miền là hợp lý. Nếu nhìn tổng thể thì thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn không có điều kiện tiếp cận tri thức bằng học sinh ở các vùng đô thị lớn.
Có thể cách đây 5-10 năm thì việc tiếp cận khó hơn rất nhiều. Còn hiện nay việc tiếp cận với sách vở, internet…cũng không khác biệt là nhiều giữa thí sinh nông thôn với đô thị. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên giữ chủ trương cộng điểm ưu tiên, quan trọng là cộng bao nhiêu điểm ưu tiên mới là câu chuyện cần phải bàn. Nếu cộng mức điểm cao quá là điều không hợp lý”.
Mức điểm ưu tiên như hiện nay theo quy định của Bộ GD&ĐT là cộng 0,5 điểm với khu vực 2, một điểm với khu vực 2 nông thôn và 1,5 điểm với khu vực một. Mức cộng điểm ưu tiên không quá 3,5 điểm.
Như vậy, chỉ chênh nhau một chút điểm đã quyết định kẻ đỗ, người trượt. Vì vậy, việc cộng thêm 0,5 - 1 -1,5 hay 3,5 điểm là rất quan trọng. Nó sẽ dẫn đến câu chuyện 29 điểm không đỗ những 26 điểm mà được cộng 0,5 điểm sẽ đỗ. Theo tôi, nên thu hẹp điểm ưu tiên lại hơn nữa còn chuyện thu hẹp bao nhiêu cần phải thống kê và tính toán thêm”.
PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội |
Về câu chuyện điểm ưu tiên, PGS.TS Trần Văn Tớp cho hay: “Giả thiết con em dân tộc thiểu số mà muốn được tiếp cận với giáo dục hiện đại nên học theo chế độ cử tuyển. Tuy nhiên phải cử những thí sinh có năng lực thực sự, bởi lẽ đây thường là những thí sinh năm ngoái thi trượt, đi theo chế độ cử tuyển và năm nay được đề xuất vào các trường.
Năm nay, ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng tiếp nhận 40 thí sinh hệ cử tuyển. Điều đang lo nhất là các em không theo được chương trình của các trường top trên. Năng lực của các em vừa phải thì chỉ nên học ở các trường top dưới. Ví như, cho một em học trường nội trú vào khoa Cơ điện tử của ĐH Bách khoa (điểm chuẩn 27,5) thì các em sẽ khó theo được”.
Trước việc nhiều thí sinh vẫn đủ điểm trúng tuyển nhưng lại trượt về tiêu chí phụ như trường hợp của em V.H.H (trú tại TP.HCM) đạt được số điểm khá cao: Toán 9,6 ; Hóa 9,75 ; Sinh 10; Tiếng Anh 8,8. Với số điểm này em rất tự tin đăng ký nguyện vọng ưu tiên số 1 là vào ngành Y đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM. Các nguyện vọng tiếp theo là Y Đa khoa - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Y Đa khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM; ĐH Y Dược Cần Thơ.”
Với số điểm trên thì điểm xét tuyển cho khối B của em là 29,35 điểm (do thuộc khu vực 3 nên không được điểm ưu tiên). Như vậy, theo quy tắc làm tròn, điểm nam sinh V.H.H giảm xuống còn 29,25 điểm.
Điều xót xa là NV1 ngành Y Đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM lấy đúng 29,25 điểm nhưng lại xét tiêu chí phụ: tiêu chí đầu tiên, Tiếng Anh đạt từ 9 điểm trở lên (nam sinh V.H.H chỉ được 8,8 điểm Tiếng Anh) và đương nhiên nam sinh này không có tên trong danh sách trúng tuyển của Y đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM.
PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết: “ Trước mùa tuyển sinh các trường đăng ký chi tiêu và Bộ GD&ĐT phê duyệt. Tuy nhiên, đến một mức điểm nào đó, có nhiều thí sinh bằng điểm nhau, nếu lấy hết số thí sinh ấy thì sẽ vượt chỉ tiêu mà lấy điểm cao hơn thì thiếu chỉ tiêu. Vì vậy các trường buộc phải dùng tiêu chí phụ.
Vấn đề tiêu chí phụ đưa ra có hợp lý hay không. Thực chất, nếu đảm bảo được công bằng tuyệt đối với tất cả các thí sinh là điều khó. Điều quan trọng là “luật chơi” phải đưa ra trước chứ không thể sau khi thí sinh thay đổi nguyện vọng rồi mới đưa ra thông báo về tiêu chí phụ. Đó là phạm luật. Còn khi các trường đã công bố tiêu chí phụ từ trước mà thí sinh vẫn trượt thì thí sinh phải chịu vì đó là quy định”.