Nghĩ bị vợ ‘cắm sừng’, anh chồng xin ly hôn nhưng tòa yêu cầu về hòa giải
Nghĩ rằng bản thân bị vợ “cắm sừng”, người chồng ở Trung Quốc đòi ly hôn nhưng lại bị tòa án từ chối và yêu cầu về hòa giải.
Người đàn ông sinh sống ở miền trung của Trung Quốc đã phản đối khi tòa án từ chối tiếp nhận đơn ly hôn sau khi người này phát hiện cô con gái 3 tuổi không phải là con đẻ của mình.
Sự việc của người đàn ông 44 tuổi họ Tang một lần nữa làm dấy lên tranh cãi về cái gọi là giai đoạn “hạ hỏa” trong thời gian nộp đơn ly hôn chờ tòa án giải quyết. Chính sách “thời kỳ hòa giải” kéo dài 30 ngày được Trung Quốc áp dụng bắt đầu từ đầu năm nay.
Cho rằng bản thân vị vợ “cắm sừng”, người đàn ông đòi ly hôn nhưng tòa án lại yêu cầu về hòa giải. (Ảnh: SCMP) |
Tờ Shangyou News đưa tin, người đàn ông họ Tang đã đệ đơn xin ly hôn lên Tòa án Nhân dân thành phố Lễ Lăng thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc vào đầu năm nay, sau khi phát hiện cô con gái 3 tuổi không phải là con đẻ.
Trong đơn xin ly hôn, cả hai vợ chồng thừa nhận họ không còn có thể tiếp tục chung sống và việc nộp đơn ra tòa là vì 2 người không đạt được sự đồng thuận về phân chia tài sản. Song vào tuần trước, Tòa án Nhân dân thành phố Lễ Lăng đã từ chối tiếp nhận đơn ly hôn và yêu cầu cặp đôi dành thời gian để cùng suy nghĩ lại.
“Họ cần cho nhau thời gian để nối lại quan hệ, bởi việc này có lợi cho sự ổn định của xã hội và không khí hòa thuận trong gia đình”, Tòa án Nhân dân thành phố Lễ Lăng tuyên bố.
Quyết định của Tòa án Nhân dân thành phố Lễ Lăng dựa trên chính sách “thời kỳ hòa giải” được thi hành từ tháng 1/2021 nhằm giảm bớt số vụ ly hôn tại Trung Quốc.
Theo luật, các cặp đôi sẽ có 30 ngày kể từ sau khi nộp đơn để “suy nghĩ lại” về quyết định. Sau thời gian này, họ sẽ trở lại Cục Dân chính để hoàn tất thủ tục ly hôn.
Còn theo anh Tang, kết quả xét nghiệm ADN hồi tháng Một cho thấy anh đang phải nuôi con của một người đàn ông khác.
Song cô Fu, vợ của anh Tang, cho hay chính Tang là người từng nài nỉ vợ đi “mượn tinh trùng” bởi họ không thể mang thai tự nhiên.
“Tôi đã thử và sớm thành công. Tôi không biết được con bé là con của chồng hay không”, cô Fu cho biết.
Cô Fu cũng nói thêm, cô đồng ý ly hôn nhưng với điều kiện cô là chủ sở hữu duy nhất của căn hộ mà hai vợ chồng đang sống. Căn hộ này hiện đứng tên sở hữu của hai vợ chồng, nhưng lại là do tiền bố mẹ cô Fu cho để mua.
Sự việc của hai vợ chồng cô Fu đang trở thành đề tài bàn tán và tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc liên quan tới việc chính sách 30 ngày “hạ hỏa”. Nhiều người đặt câu hỏi liệu chính sách này có phát huy tác dụng để đưa các cặp vợ chồng trở lại bên nhau.
Ông Wu Jiezhen, một luật sư chuyên phụ trách các vụ ly hôn ở thành phố Quảng Châu của Trung Quốc, cho rằng quy định mới trong luật hôn nhân thậm chí có thể khiến những bất đồng giữa các cặp đôi vốn bị sứt mẻ tình cảm lại càng trở nên trầm trọng hơn.
“Trên thực tế, trong giai đoạn hòa giải, mọi người không thay đổi quyết định có nên ly hôn hay không, mà họ lại thay đổi suy nghĩ về việc họ sẽ phân chia tài sản và trách nhiệm nuôi dạy con cái ra sao”, ông Wu nói.
Do đó, theo ông Wu, nhiều người có thể ly hôn một cách riêng tư trong quá khứ nhưng nay lại đưa nhau ra tòa vì vấn đề tài sản.
Minh Thu (lược dịch)