Nghề công tác xã hội hướng tới tính chuyên nghiệp.
|
Nhân viên công tác xã hội dạy nói cho trẻ tự kỷ. Ảnh: Hoàng Hà. |
ThS Nguyễn Thị Bùi Thành (Trung tâm Nắng Mai, thuộc Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển) cho biết, nhiều cơ sở xã hội hiện nay không phân tách rõ ràng công việc của người làm CTXH khiến người làm CTXH đang phải làm nhiều công việc khác nhau. Chất lượng đào tạo, cơ cấu đào tạo ngành CTXH có tới 80% là kiến thức bắt buộc, phần chuyên sâu chỉ chiếm 20%. Cử nhân ngành CTXH còn thiếu kỹ năng hỗ trợ, chưa biết sử dụng các thang đo trong quá trình lập kế hoạch…
“Các cơ sở đào tạo cần có hệ thống thanh tra, giám sát sinh viên, hỗ trợ sinh viên thực hành theo định kỳ. Các cơ sở bảo trợ cần có kế hoạch cho công tác hướng dẫn, thực hành cho sinh viên. Về phía người học, cần trau dồi kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, tăng cường tham gia các hoạt động tình nguyện để có kiến thức thực tế. Cần tăng cường khảo sát số lượng sinh viên ngành CTXH để có những điều chỉnh phù hợp, chú trọng tới đào tạo chuyên sâu”, ThS Bùi Thành cho biết thêm.
Trong định hướng phát triển nghề CTXH tới năm 2015, nước ta cần khoảng 30.000 cán bộ CTXH chuyên nghiệp. Tới năm 2020, số cán bộ này tăng gấp đôi (khoảng 60.000 nhân viên). Ngoài tăng cường về số lượng, chất lượng nhân lực CTXH cũng cần phải hướng tới tính chuyên nghiệp. Ông Tô Đức, Trưởng phòng Công tác xã hội (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ, TB&XH) cho rằng: “Cả nước chỉ có khoảng hơn 35.000 người làm nghề CTXH, trong khi nhu cầu cần tới hơn 60.000 người. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32), tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nghề CTXH tại Việt Nam. Đây là cơ sở để phát triển CTXH, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đáp ứng về số lượng, chất lượng”.