Nghề công tác xã hội đã được định hình
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 23/3/2010 phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt là Đề án 32). Việc Đề án 32 được phê duyệt đã chính thức công nhận CTXH là một ngành nghề mới ở Việt Nam. Mục tiêu của Đề án 32 là phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.
Truyền thông vềĐề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt là Đề án 32) là một công việc quan trọng. |
Trước đây nhiều người Việt Nam vẫn lạ lẫm khi nghe về nghề CTXH nhưng đến nay đã trở nên quen thuộc và được nhắc đến thường xuyên. Đến nay, sau 5 năm thực hiện, nghề CTXH ở Việt Nam đã được định hình và phát triển. Có thể nói, Đề án đã thực hiện khá trọn vẹn nhiệm vụ của giai đoạn 2010 – 2015. Nghề CTXH đã trở thành một nghề chuyên nghiệp, có vai trò rất quan trọng, được Nhà nước công nhận về mặt pháp lý, được xã hội thừa nhận về ý nghĩa thực tế.
Để thực hiện Đề án 32, trung ương và địa phương đã tập trung triển khai vào 4 nhóm công việc chính là: Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển nghề CTXH; Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Xây dựng và phát triển các cơ sở đào tạo nghề công tác xã hội; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Từ sự nỗ lực đó, hiện nay, đại đa số mọi người đã hiểu rằng, để phát triển bền vững, Việt Nam cần phát triển nhanh nghề CTXH. Các văn bản pháp quy về nghề CTXH cũng đã được soạn thảo và ban hành kịp thời, giúp cho các bộ, ngành và các địa phương từng bước đưa nghề CTXH vào cuộc sống. Việt Nam có khoảng 40 cơ sở đào tạo cử nhân nghề CTXH. Số chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm từ 2.500 đến 3.000 và đã đào tạo được 13.391 người.
Tuy nhiên, những khó khăn, những thách thức trong việc phát triển nghề CTXH như việc phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy. Đội ngũ cán bộ công tác xã hội được đào tạo khá nhiều, nhưng chất lượng đào tạo còn hạn chế. Một số có kiến thức, có hiểu biết khá nhưng kỹ năng thực hành lại kém. Việc bố trí công ăn, việc làm cho những người đã được đào tạo nghề CTXH cũng cần được quan tâm.Việc bố trí công việc cho các cử nhân CTXH còn gặp nhiều khó khăn.
Để nghề CTXH thật sự chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu quả cần sự nỗ lực rất lớn của các ban ngành có liên quan. Mục tiêu tổng thể của giai đoạn 2016-2020 là phải xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên nghề CTXH theo các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ và theo nhóm đối tượng; Xây dựng, ban hành mới, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật có liên quan đến nghề CTXH; Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên nghề CTXH ở các cấp; Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng năng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên nghề CTXH; Xã hội hóa các hoạt động CTXH theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia.
Như vậy, các giải pháp chủ yếu phải dựa vào việc xem CTXH là một lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tư vấn, trợ giúp xã hội. Các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân hoạt động thuận lợi trong lĩnh vực này. Cụ thể, những người được đào tạo nghề CTXH không nên thụ động chờ đợi, mà cần phải chủ động tìm kiếm việc làm bằng cách giới thiệu những dịch vụ mà mình có thể đảm nhiệm. Việc nhìn nhận đúng vai trò của nghề CTXH trong sự phát triển bền vững, cùng với việc đánh giá đúng thực trạng sẽ mở ra cơ hội phát triển vững chắc cho nghề CTXH từ nay đến năm 2020.
Tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (Đề án 32)