Ngày càng nhiều nước châu Âu lo sợ làn sóng Covid-19 thứ hai
Nhiều nước châu Âu ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc Covid-19 trong dân chúng và buộc phải tìm sự cân bằng giữa mở cửa nền kinh tế và áp đặt các hạn chế mới trong bối cảnh lo ngại về đợt đại dịch thứ hai.
Theo Worldometers tính đến ngày 28/7, toàn cầu ghi nhận 16.642.264 người mắc Covid-19, trong đó có 656.488 trường hợp tử vong và 10.231.567 bệnh nhân bình phục.
Châu Âu cân nhắc phong tỏa để tránh làn sóng thứ hai Covid-19. (Ảnh: Reuters) |
“Tây Ban Nha hiện đang đứng thứ năm về sự lây lan của Covid-19 trong số các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), chỉ sau Luxembourg, Romania, Bulgaria và Thụy Điển”, El Pais viết.
Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, có khoảng 39 ca mắc mới Covid-19 trên 100 nghìn người trong cả nước. Ở Anh và Pháp có khoảng 14 ca trên 100 nghìn người. Và ở Đức, con số này thậm chí còn thấp hơn rất nhiều so với ở Tây Ban Nha.
Bồ Đào Nha từng được coi là hình mẫu trong cuộc chiến chống lại làn sóng đầu tiên của đại dịch Covid-19, giờ đây đang ở trong tình trạng tương tự như Tây Ban Nha. Theo dữ liệu mới nhất, có 39 trường hợp mắc mới được ghi nhận trên 100 nghìn người.
Mặc dù thực tế là ở các nước châu Âu khác tình hình đã tốt hơn rất nhiều, nhưng hầu hết tỷ lệ mắc bệnh cũng tăng lên trong thời gian gần đây. Các quốc gia trên khắp khu vực đồng tiền chung euro đang đấu tranh để tìm sự cân bằng giữa việc mở cửa các nền kinh tế và áp đặt các hạn chế mới trong bối cảnh lo ngại về một làn sóng Covid-19 thứ hai.
Chính quyền Bỉ đã quyết định thắt chặt các biện pháp để chống lại sự lây lan dịch Covid-19. Bỉ đưa ra thông báo áp dụng lại các quy định nghiêm ngặt hơn về phòng dịch, buộc phải sử dụng khẩu trang tại không gian công cộng, sau khi số ca lây nhiễm mới tăng 89% trong tuần trước.
Theo Cơ quan Y tế Công cộng Pháp, thứ Sáu tuần trước, số ca mắc Covid-19 mới được phát hiện mỗi ngày ở Pháp là 1.130, mặc dù một tuần trước đó con số này không quá 500 ca. Rắc rối cũng xảy ra ở Đức, theo Viện Robert Koch, số trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận hàng ngày đã tăng vọt từ khoảng 500 đến hơn 800.
“Con số lây nhiễm hiện tại một lần nữa nhấn mạnh, chúng ta vẫn đang ở tâm điểm của đại dịch. Và việc gia tăng du lịch, đi lại sẽ tạo rủi ro lây nhiễm cao hơn đối với người dân Đức”, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết.
Theo ghi nhận của El Pais, như ở Tây Ban Nha, các đợt dịch bệnh lặp đi lặp lại ở các quốc gia này chủ yếu là do bùng phát từ các sự kiện giải trí và lễ hội. Chưa hết, các chuyên gia dự đoán, Tây Ban Nha một lần nữa có thể trở thành “tâm dịch” ở châu Âu.
“Hoảng sợ trước số lượng ca mắc mới ngày càng tăng trên lãnh thổ của mình, các nước châu Âu đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của Covid-10 qua biên giới”, El Pais viết.
Trước những diễn biến này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng về việc cân nhắc thắt chặt kiểm soát biên giới và có thể áp dụng lại các biện pháp phong toả đối với các sân bay.
Chính quyền Anh đã bắt buộc tất cả du khách từ Tây Ban Nha phải kiểm tra sức khỏe khi đến nơi. Chính quyền Na Uy cũng áp dụng cách ly 10 ngày đối với những người đến từ Tây Ban Nha và khuyến nghị công dân không nên đi du lịch đến nước này. Và ở Ireland, việc cách ly đối với du khách đến từ Tây Ban Nha là 2 tuần.
Thủ tướng Pháp Jean Castex cũng đưa ra lời khuyên với người Pháp tránh du lịch tới Catalonia (Tây Ban Nha). Chính phủ nước này cũng đã quyết định xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với công dân đến từ 16 quốc gia.
Washington 'đe dọa' các nhà thầu Nord Stream 2 sau lưng Berlin
Tờ Die Welt đưa tin, chính quyền Mỹ đang đe dọa trực tiếp các công ty Đức và châu Âu liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2).
Thanh Bình (lược dịch)