Ngáo đá và những câu chuyện đau lòng
Cứu hộ giải cứu một đối tượng ngáo đá ở Hà Nội |
Ngáo đá và những cái kết buồn
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Nguyên trưởng khoa Cai nghiện, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương tâm sự rất nhiều trường hợp ngáo đá để lại nỗi đau cho gia đình, người thân. Đến khi nhập viện điều trị cai nghiện, tỉnh táo hơn họ đều cảm thấy ân hận vì hành vi của mình.
Trường hợp của Nguyễn Văn Ch. trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội là điển hình. Ch. là con một trong gia đình bố mẹ đều là kinh doanh nên em được chiều chuộng từ nhỏ. Vài năm trở lại đây, bố mẹ em thấy con lớn vẫn ngoan ngoãn lễ phép nên càng yên tâm. Họ ít dành thời gian quan tâm đến con cái hơn vì nghĩ em đã học đại học, đủ lớn để suy nghĩ. Bao nhiêu dự tính bố mẹ em mang đến cho em như đi du học để nối nghiệp cha.
Họ hết sức ngỡ ngàng khi đưa con đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ gọi bố mẹ Ch. vào phòng riêng nói chuyện là trong máu cậu bé dương tính với ma túy tổng hợp. Khuyên bố mẹ Ch. nên đưa con đi cai nghiện ma túy trước khi đi du học. Bố mẹ Ch ngã quỵ vì không tin đứa con trai bé bỏng, học giỏi lại dính vào ma túy thế hệ mới.
Bố Ch. nóng tính đã không kiềm chế được, ông quay ra chửi mắng và trừng phạt con trai của mình. Ch. thừa nhận với cha mẹ cậu đập đá được hơn một năm nay trong một buổi tiệc sinh nhật. Ban đầu Ch. nghĩ đập đá cho vui, cho cảm xúc thăng hoa cùng bạn bè. Cậu không nghĩ rằng đó là nguyên nhân dẫn đến những điều khó nói của mình.
Trường hợp của bệnh nhân Vũ Thế A. trú tại Thanh Xuân, Hà Nội nghiện ma túy đá nhưng rơi vào trường hợp khác. Vũ Thế A. tâm sự cưới nhau được 2 năm cậu bị trầm cảm chuyện giường chiếu. Vợ hay càu nhàu vì chồng chưa đến chợ đã hết tiền. Thế A. mang tâm sự đi kể với nhóm bạn học cùng đại học. Một người đã giới thiệu cậu thử dùng ma túy đá. Ban đầu, Thế A. sợ nhưng nghe nói đây chỉ là một xíu ma túy còn lại là chất ôn và nhiều người vẫn dùng để tăng hưng phấn. Một bên là thể diện người đàn ông, một bên là con nghiện ma túy, nâng lên hạ xuống, cuối cùng Thế A. đã đập đá trong phòng ngủ của mình.
Từ chỗ “chưa đến chợ đã hết tiền”, cậu bị ngáo đá đòi quan hệ tình dục liên tục. Vợ cậu mệt mỏi đưa đi tìm bác sĩ nhưng được vài hôm Thế A. lại mệt mỏi, tiêu chảy vì thiếu thuốc. Cậu lại trốn vợ đi tìm đá về sử dụng. Cứ như thế, từ yếu sinh lý, Thế A. bị rơi vào trạng thái của kẻ thích bạo dâm. Nhu cầu tình dục của cậu tăng cao đột biến.
Những hệ lụy nguy hiểm từ ngáo đá
PGS Trần Hữu Bình - Nguyên viện trưởng viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho biết trường hợp bị nghiện đá và cai nghiện ngày càng tăng. Nghiện đập đá gây ra tình trạng ngáo đá rối loạn cảm xúc có những bệnh nhân bác sĩ Bình gặp anh ta suốt ngày chỉ đòi quan hệ tình dục như trường hợp của Thế A. Cảm giác yếu sinh lý trước khiến cậu ta truy tìm các loại đá nâng cao ham muốn, hưng cảm tình dục nên “cậu nhỏ” trỗi dậy suốt ngày. Nhiều trường hợp vợ khóc lóc cầu cứu bác sĩ nếu không chữa được chuyện giường chiếu do ngáo đá thì họ chỉ còn cách ly hôn. PGS Bình nhấn mạnh cai nghiện đá hay nghiện bất cứ cái gì cũng cần phải có sự quyết tâm của người bệnh.
Theo tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, ma túy đá không gây nghiện nặng như ma túy, không khiến con nghiện vật vã khát thuốc như ma túy, nhưng ảo giác nó mang lại thì gấp nhiều lần ma túy. Con nghiện thường mất kiểm soát hành vi, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội như chém giết người vô cớ, cuồng dâm…Có rất nhiều câu chuyện đau lòng do ma túy đá gây ra như giết người, giết chính con, bố mẹ, vợ của mình. Việc lạm dụng quá mức ma túy đá dẫn đến rối loạn tâm thần tạm thời, thậm chí là tâm thần vĩnh viễn. Nhiều trường hợp sau cai nghiện trở thành những người “nhặt lá đá ống bơ” kinh niên. Họ không có cơ hội quay lại cuộc sống thực ban đầu. Đau khổ nhất, có những người là tri thức chỉ vì một số nguyên nhân nào đó họ phải tìm đến ma túy đá mà đến giờ trở thành nạn nhân của nó như trường hợp của bệnh nhân Thế A.
Ma túy “đá” (Methamphetamine) là một dạng ma túy tổng hợp. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.Hà Nội, 72% số người sử dụng ma túy tổng hợp ở độ tuổi 18-30, độ tuổi trên 30 chiếm 26%, riêng độ tuổi dưới 18 ở mức 2% nhưng có xu hướng gia tăng.