Ngành Sư phạm có nhiều ưu đãi thu hút thí sinh, điểm chuẩn có tăng vọt?
Ngành sư phạm bỗng dưng thu hút sự quan tâm của rất nhiều thí sinh bởi từ năm học này sinh viên sư phạm ngoài được miễn học phí còn được trợ cấp thêm 3,36 triệu/tháng tiền sinh hoạt. Vậy điểm chuẩn ngành sư phạm có tăng?
Nói về điểm chuẩn các ngành hot của trường sư phạm là ngành sư phạm Toán, sư phạm Tiếng Anh, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM nhận định: “Trước hết, thí sinh cần nhìn nhận là điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (hay còn gọi điểm sàn) đã chặn trước những thí sinh cách biệt thấp quá xa với điểm chuẩn cụ thể là dưới sàn.
Về điểm chuẩn ngành sư phạm Toán, Tiếng Anh đúng là mọi năm điểm chuẩn khá cao so với những ngành khác nhưng cho đến thời điểm hiện tại chúng ta chỉ có thể phán đoán dựa trên sàn. Thế nhưng thực tế thì điểm chuẩn phụ thuộc rất lớn vào số lượng thí sinh đăng kí và điểm của những thí sinh đăng kí này.
Và để đáp ứng được nguyện vọng sở thích ngành nghề của thí sinh, hiện nay Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng kí nhiều nguyện vọng nên thí sinh cảm thấy mình có cơ hội nguyện vọng nào hoàn toàn có thể đăng kí vào đó và đăng ký nhiều nguyện vọng vì các nguyện vọng sẽ xét từ ưu tiên số 1 xuống dưới.
Tôi cho rằng các em đừng quá lo lắng về điểm chuẩn. Kinh nghiệm cho thấy với điểm sàn đặt ra, điểm chuẩn có thể cao hơn 1 đến 2 điểm nên thí sinh cân nhắc”.
Mùa tuyển sinh năm nay ngành Sư phạm nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh. |
Về cơ hội việc làm trong tương lai của các chuyên ngành trong nhóm ngành sư phạm nói chung, GS.TS Huỳnh Văn Sơn phân tích, bối cảnh sinh viên sư phạm có lợi thế về hỗ trợ việc làm cũng như miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí đã làm cho nguyện vọng vào các ngành đào tạo giáo viên năm nay tăng.
Việc tăng số lượng nguyện vọng có thể do Bộ GD&ĐT đang đổi mới chương trình, lộ trình 4-5 năm sắp tới thì việc cần đội ngũ giáo viên có chất lượng sẽ là yêu cầu cấp thiết.
Ngoài ra trong chương trình cũng có một số môn học mà trước đó chưa có như Hoạt động trải nghiệm, môn Lịch sử - Địa lí, môn Khoa học tự nhiên… Cho nên, số thí sinh nguyện vọng ở những ngành này và những ngành truyền thống như Sư phạm Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn… sẽ tăng.
Vấn đề tiếp theo là sự tác động của Nghị định 116 về chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên các ngành đào tạo giáo viên.
Sau khi các em trúng tuyển và theo học tại nhà trường thì nhà trường sẽ theo dõi tiến độ học tập và báo cáo về UBND các tỉnh (nơi đã hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí). Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ báo kết quả học tập với cấp tỉnh đã hỗ trợ hoặc đơn vị hỗ trợ khác để được tư vấn, hỗ trợ về định hướng việc làm trong ngành giáo dục.
Cụ thể của các việc này là: Giáo viên, giảng viên giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục hay công chức, viên chức làm việc tại cơ quan nhà nước về giáo dục. UBND cấp tỉnh sẽ bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo mà em đã theo học theo quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức.
Như vậy, việc hỗ trợ việc làm cho các em cũng được địa phương rất quan tâm, đây cũng là yếu tố tác động đến việc làm ngay khi ra trường.
Tố chất để trở thành một giáo viên theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn là phải thật sự yêu nghề, dấn thân và sống cống hiến hết mình. Xác định được rằng mục đích của nghề chúng ta lựa chọn là đào tạo những thế hệ mới cho đất nước và phát triển con người, đó là trách nhiệm với toàn xã hội.
Ngoài ra, nếu muốn là sinh viên sư phạm thì thí sinh cũng nên xác định đừng vì những giá trị hào nhoáng hay các giá trị vật chất để đến với nghề vì đó không phải là sự lựa chọn thật phù hợp.
Sinh viên Sư phạm ra trường không xin được việc có phải bồi hoàn chi phí đào tạo?
Đó là thắc mắc của rất nhiều thí sinh có hướng “đầu quân” vào ngành sư phạm vì từ sinh viên ngành này được miễn học phí và được cấp 3,36 triệu sinh hoạt phí/tháng.
Hoàng Thanh