ĐH Thương mại giải đáp thắc mắc của sinh viên về đào tạo và dự báo điểm chuẩn
Trước băn khoăn liệu điểm chuẩn tại ĐH Thương mại năm nay có tăng, PGS.TS Lê Thị Thanh Hải - Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Thương mại cho biết điểm chuẩn năm nay có thể tăng nhẹ
Liên quan đến thông tin về dự kiến điểm chuẩn cũng như các ngành đào tạo của ĐH Thương Mại, PGS.TS Lê Thị Thanh Hải - Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Thương mại đã có chia sẻ để thí sinh cân nhắc lựa chọn thay đổi nguyện vọng cho phù hợp.
PV: Thưa cô, môn tiếng Anh năm nay có số điểm 10 tăng vọt so với các năm trước, với 4.582 thí sinh, trong khi năm 2020 chỉ có 225 thí sinh. Điều này khiến nhiều người lo ngại các khối xét tuyển đại học có môn tiếng Anh thì điểm chuẩn sẽ tăng. Trong khi ĐH Thương mại cũng xét tuyển nhiều tổ hợp có môn tiếng Anh?
PGS.TS Lê Thị Thanh Hải: Dự đoán chung điểm chuẩn năm 2021 có thể tăng nhẹ nhưng vẫn nằm trong khoảng 24 -27 điểm tùy từng khoa, thí sinh có thể căn cứ vào điểm chuẩn năm ngoái để đưa ra lựa chọn cho mình.
Dự kiến trước 17h ngày 16-9 theo lịch của Bộ, các trường Đại học sẽ công bố điểm chuẩn.
Hiện nay ĐH Thương mại đào tạo ngành hệ thống thông tin quản lý theo 2 chương trình đại trà và đặc thù, vậy chương trình đặc thù có gì khác?
Trường ĐH Thương mại đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý theo chương trình đại trà và chương trình đặc thù.
Chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù tức là ngoài đào tạo cơ bản sẽ tăng thời lượng học tập thực tế tại doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo cùng nhà trường; sinh viên được học tập, trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm thực tế ngay trong quá trình học.
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên chương trình đại trà và chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù là bậc 3/6; chương trình đào tạo chất lượng cao là bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Các khối ngành về liên quan đến kinh tế trong thời gian qua rất hot, điểm chuẩn cũng rất cao nhưng nhiều thí sinh học có lo thời gian tới nhân lực khối ngành kinh tế sẽ bị thừa thưa cô?
Dự báo các ngành kinh tế liên quan đến ứng dụng công nghệ số sẽ có nhu cầu nhân lực cao để tạo ra các công dân toàn cầu.
Vì thế, phát triển chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và các chương trình đào tạo gắn với công nghệ số đang trở thành xu hướng của các trường đào tạo về kinh tế và trường ĐH Thương mại cũng hướng đến xu thế này. Vì vậy, thí sinh không lo nhóm ngành ra trường khó kiếm việc làm vì thừa nhân lực.
Được biết Kế toán Kiểm toán là một ngành rất hot của ĐH Thương mại, học ngành này sinh viên được trang bị những gì và tốt nghiệp làm ở đâu thưa cô?
Chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp thuộc Khoa Kế toán - Kiểm toán là chuyên ngành hot của Trường Đại học Thương mại.
Với chương trình đào tạo cử nhân Kế toán doanh nghiệp giúp sinh viên nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội, quản trị kinh doanh; nắm vững kiến thức chuyên môn về kế toán, kiểm toán, phân tích kinh tế; có năng lực thực hành nghề kế toán, kiểm toán và khả năng hoạch định chính sách kế toán, kiểm toán.
Chương trình đào tạo cử nhân kế toán doanh nghiệp theo chương trình chất lượng cao giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên sâu và hiện đại về kế toán Việt Nam và quốc tế.
Sinh viên tốt nghiệp có khả năng tổ chức, thực hiện công tác kế toán, kiểm toán tại các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, đơn vị hành chính sự nghiệp, các tổ chức kinh tế khác.
Chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp chất lượng cao được thiết kế theo định hướng riêng biệt. Sinh viên được đào tạo 30 tín chỉ tiếng Anh theo giáo trình IELTS để có đủ khả năng học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh.
Học chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp sinh viên có thể làm kế toán tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước
Chuyên ngành Kế toán công đào tạo các cán bộ kế toán có chuyên môn sâu, rộng về kế toán trong đơn vị công (Bộ, ngành, đơn vị hành chính các cấp, thuế, hải quan, tổ chức chính trị xã hội…). Sinh viên ra trường được làm việc ở các công ty kiểm toán nước ngoài, các tập đoàn kinh tế lớn, các Bộ, Cục, Vụ, Viện và cơ quan của chính phủ.
Chuyên ngành Kiểm toán giúp sinh viên được trang bị hệ thống kiến thức cơ bản về kinh doanh và quản lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt, có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết toàn diện, chuyên sâu về kiểm toán, kỹ năng thực hành nghề nghiệp kiểm toán trong các đơn vị kiểm toán, kỹ năng thực hiện kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp, ngân hàng và các đơn vị khác.
Học chuyên ngành Kiểm toán sinh viên có thể làm Kế toán viên, Kiểm toán viên ở trong các doanh nghiệp kiểm toán độc lập, các công ty kiểm toán nước ngoài, hoặc làm Ban kiểm toán nội bộ của các tập đoàn trong nước, Kiểm toán nhà nước.
Hoàng Thanh