Ngân hàng quyết liệt chống rửa tiền từ “vàng hóa”, “đô la hóa”!
Trước đây, đánh giá về tình trạng “đô là hóa”, Tiến sĩ Hauskrecht, giáo sư Trường Quản trị kinh doanh Kelly (Bang Indiana, Mỹ), giữ chức tư vấn trưởng chương trình hợp tác giữa NHNN và Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức, cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế “đô la hóa” một phần trong hệ thống tiền tệ và sử dụng song song hai đồng tiền VND và USD.
Tương tự như vậy, đối với thị trường vàng, trong suốt một thời gian dài trước đây, thị trường vàng Việt Nam cũng luôn biến động bất thường và là nhân tố gây bất ổn thị trường ngoại hối, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, trong một môi trường kinh tế còn tình trạng “đô la hóa” và “vàng hóa” thì việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng gặp nhiều khó khăn gây áp lực tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp trên thị trường ngoại hối ngay cả khi tổng thể nền kinh tế không bị mất cân đối cung cầu ngoại tệ vì các khu vực của nền kinh tế có xu hướng găm giữ ngoại tệ.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ trong tình trạng rất khó khăn nếu bị “đô la hóa”, “vàng hóa”, ngoài việc có quá nhiều giao dịch bằng USD hay vàng trong thương mại, đầu tư, kiều hối thì những hiện tượng rửa tiền qua ngoại tệ hay vàng là không tránh khỏi. Vì vậy, mặc dù có những ý kiến tác động tích cực cho nền kinh tế, không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tìm mọi cách có thể nhằm chống lại tình trạng “đô la hóa”, “vàng hóa”, từ đó chỉ có một tiền tệ duy nhất được lưu hành là VND.
Tội phạm hết đường rửa tiền
Theo báo cáo của NHNN về tình trạng “vàng hóa”, “đô la hóa” cho thấy, tình trạng “đô la hóa” giảm mạnh, ngoại tệ tập trung chủ yếu vào hệ thống ngân hàng và NHNN đã mua được số lượng ngoại tệ lớn, đưa mức dự trữ ngoại hối Nhà nước lên cao nhất từ trước tới nay, góp phần tăng tiềm lực tài chính và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cụ thể, chính sách tỷ giá hiện đã được điều hành linh hoạt. NHNN đã chủ động công bố định hướng điều hành tỷ giá trong từng thời kỳ, kiên định thực hiện các giải pháp điều hành nhằm ổn định tỷ giá trong phạm vi định hướng đề ra, giúp doanh nghiệp chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã kịp thời thực hiện mua bán ngoại tệ can thiệp để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng khi cần thiết. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong hơn 3 năm qua liên tục ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân được các TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Đối với thị trường vàng, Việt Nam là nước nhập khẩu vàng và chịu nhiều ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý, tập quán nắm giữ vàng của người dân. Trong suốt một thời gian dài trước đây, thị trường vàng Việt Nam luôn biến động bất thường và là nhân tố gây bất ổn thị trường ngoại hối, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, với quyết tâm hạn chế tình trạng “vàng hóa”, NHNN đã ban hành hàng loạt văn bản bằng các biện pháp quyết liệt được triển khai từ cuối năm 2011 đến nay, do vậy công tác quản lý thị trường vàng cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Theo số liệu của NHNN, đến nay, có 38 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN nước cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng tại gần 2.500 điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hiện nay, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn. Việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán gần như chấm dứt, quan trọng nhất đó là một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền.
Với những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng “vàng hóa” và “đô la hóa” của NHNN giúp thị trường vàng, thị trường ngoại tệ dần ổn định, góp phần ngăn chặn tội phạm rửa tiền lợi dụng vàng và ngoại tệ làm công cụ để rửa tiền.