Ngân hàng “dính” án phạt vì tài trợ cho hoạt động khủng bố
Mới đây, Ngân hàng Arab Bank (Ả Rập), ngân hàng lớn nhất Jordan đã trở thành ngân hàng đầu tiên bị xét xử theo Đạo luật Chống khủng bố của Mỹ với tội tài trợ cho hoạt động khủng bố theo một bản án được tuyên bởi tòa án liên bang ở Brooklyn (New York).
Theo phán quyết của tòa án thì ngân hàng Arab Bank đã phạm tội tài trợ cho các tổ chức khủng bố, gồm Hamas và nhóm Hồi giáo thánh chiến Jihad. Đây là những tổ chức được Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Cụ thể, Arab Bank đã trợ giúp cho lực lượng quân đội Hamas gây nên làn sóng bạo lực ở Israel và khiến hàng trăm người Mỹ thiệt mạng. Và ngân hàng này cũng liên quan đến những cuộc tấn công khủng bố của Palestine trong đầu những năm 2000.
Riêng trong năm 2004, gần 300 người Mỹ đã trở thành nạn nhân trong 24 cuộc tấn công ở Trung Đông (bao gồm ở Israel, Gaza) do Arab Bank tài trợ. Bằng chứng là Arab Bank đã chuyển hơn 30 triệu USD cho các tổ chức do Hamas cầm đầu.
Dù không bị đưa ra tòa án xét xử song vào tháng 5 vừa qua, 2 ngân hàng của Thụy Điển gồm Ngân hàng Norda và Hendelsbankel bị Cơ quan giám sát Tài chính Thụy Điển (FSA) phạt vì đã có hoạt động tài trợ cho khủng bố.
Theo đó, FSA đã phạt Ngân hàng Norda 5,4 triệu euro và Ngân hàng Hendelsbankel 3,75 triệu euro. FSA cho biết, nhiều năm qua, 2 ngân hàng này đã không tuân thủ quy định, nguyên tắc chống rửa tiền và đã bị lợi dụng bởi những kẻ rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.
Ngân hàng Việt luôn chú trọng công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố
Cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020.
Theo kế hoạch, các nội dung hành động sẽ triển khai như xác định các rủi ro, phát triển các chính sách và hợp tác trong nước; rửa tiền và tịch thu tài sản; tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí; áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho khu vực tài chính và phi tài chính được chỉ định; tăng cường tính minh bạch và sự sẵn có của các thông tin về quyền sở hữu hưởng lợi của các pháp nhân và thỏa thuận pháp lý; thiết lập quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền và các biện pháp tổ chức khác; hỗ trợ hợp tác quốc tế...
Đối với lĩnh vực ngân hàng, theo một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho hay, công tác phòng, chống khủng bố trong ngành ngân hàng rất quan trọng, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng. Hiện nay, hầu hết các đơn vị thuộc NHNN và một số tổ chức tín dụng đã xây dựng quy định, phương án cụ thể về phòng, chống khủng bố và xử lý các tình huống liên quan tại đơn vị. Ngành ngân hàng cũng đã tiến hành điều tra, xác minh một số đối tượng có giao dịch qua hệ thống ngân hàng nghi tài trợ cho khủng bố, đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan đến phòng, chống khủng bố, tài trợ khủng bố…
Tuy nhiên, để công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố đạt hiệu quả cao, các đơn vị trong toàn ngành cần xây dựng quy định, phương án cụ thể về phòng, chống khủng bố và xử lý các tình huống liên quan tại đơn vị phù hợp với phương án phòng, chống khủng bố trong ngành ngân hàng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả quy định, phương án đã xây dựng.
Theo đó, phương án phòng, chống khủng bố trong ngành ngân hàng phải lấy phòng ngừa là chính, vô hiệu hóa mọi kế hoạch khủng bố, không để bị động bất ngờ.
Bảo đảm đến mức cao nhất an ninh, an toàn về người và tài sản và hoạt động ngân hàng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra. Nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng. Nhất là việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành động khủng bố, tài trợ cho khủng bố. Kịp thời đưa ra phương án xử lý khi có các hành động khủng bố…