Nga dọa triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung để đáp trả NATO
Nhằm đáp trả động thái của NATO, Nga tuyên bố có thể triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu.
Nga có thể buộc phải triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu nhằm đáp trả trước kế hoạch của NATO. Đây là tuyên bố hôm 13/12 của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.
Tuyên bố của ông Ryabkov càng làm dấy lên mối quan ngại về một cuộc đua triển khai vũ khí mới, giữa lúc căng thẳng Đông – Tây đang ở mức trầm trọng nhất sau 30 năm Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729 của Nga. (Ảnh: Reuters) |
Theo Thứ trưởng Ryabkov, Nga sẽ buộc phải hành động nếu như phương Tây từ chối tham gia hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ở châu Âu. Đây là một phần trong gói bảo đảm an ninh mà Nga đang muốn đạt được để hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraine.
Chia sẻ với RIA, ông Ryabkov cho biết việc thiếu tiến triển trong giải pháp ngoại giao và chính trị sẽ khiến Nga phản ứng theo hướng quân sự.
“Đó sẽ là một cuộc đối đầu và đó sẽ là vòng đấu tiếp theo”, ông Ryabkov nói tới khả năng triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung của Nga.
Các tên lửa hạt nhân tầm trung có phạm vi hoạt động từ 500 – 5.500 km bị cấm ở châu Âu theo hiệp ước năm 1987 giữa cựu Tổng thống Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev và cựu Tổng thống Ronald Reagan nhằm xóa bỏ căng thẳng trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Tới năm 1991, Liên Xô cũ và Mỹ đã phá hủy gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm trung.
Tuy nhiên, vào năm 2019, Mỹ rút khỏi INF sau nhiều năm cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi triển khai các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất mà Moscow gọi là 9M729 còn NATO gọi là “Screwdriver”.
Theo chuyên gia Gerhard Mangott tại Đại học Innsbruck ở Áo, nếu như những lời cáo buộc của NATO là đúng, thì Nga đã cho triển khai 9M729 ở phía tây dãy núi Ural. Do đó, lời đe dọa của Thứ trưởng Nga Ryabkov là vô nghĩa.
Nhưng nếu lời cáo buộc của NATO là sai, lời cảnh báo của Nga sẽ là “tín hiệu cuối cùng gửi tới NATO rằng liên minh quân sự cần bước vào các vòng đàm phán với Nga về một thỏa thuận đóng băng”.
Cũng theo ông Mangott, “nếu NATO vẫn giữ nguyên quan điểm không đàm phán về thoả thuận INF, chúng ta chắc chắn sẽ thấy Nga triển khai tên lửa Screwdriver ở sát biên giới phía tây”.
Trong những ngày gần đây, Thứ trưởng Ryabkov nổi lên thành người truyền tin của Nga, giữa lúc Tổng thống Vladimir Putin gây sức ép buộc phương Tây đưa ra những lời đảm bảo an ninh. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh lại liên tiếp cáo buộc Nga có âm mưu tấn công xâm chiếm Ukraine, bất chấp Moscow nhiều lần phủ nhận.
Giới tình báo Mỹ ước tính Nga có thể đang lên kế hoạch tấn công trên nhiều mặt trận nhằm vào Ukraine ngay đầu năm 2022 với sự tham gia của 175.000 binh sĩ.
Hồi tuần trước, ông Ryabkov đã so sánh căng thẳng hiện thời giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 từng khiến Mỹ và Liên Xô cũ đứng trước bờ vực rơi vào chiến tranh hạt nhân.
Theo Thứ trưởng Ryabkov, có những “dấu hiệu gián tiếp” cho thấy NATO đang tiến gần hơn tới hoạt động tái triển khai các tên lửa tầm trung bao gồm khôi phục Bộ Tư lệnh Pháo binh số 56 có trụ sở tại phía tây Mainz - Kastel, Đức hồi tháng 11. Đây là lực lượng được trang bị tên lửa hạt nhân nhằm răn đe Liên Xô cũ vào thời Chiến tranh Lạnh.
Trong khi đó, NATO tuyên bố sẽ không cho phép có thêm tên lửa mới của Mỹ ở châu Âu và hiện sẵn sàng ngăn chặn các tên lửa mới của Nga bằng phản ứng “thận trọng” với sự tham gia của những loại vũ khí truyền thống.
Song ông Ryabkov nhấn mạnh, Nga “đã hoàn toàn mất niềm tin” vào NATO.
Hôm 13/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc đối thoại với Tổng thống Nga Putin. Theo thông báo từ Phố Downing, ông Johnson đã nói với ông Putin về vấn đề “hạ nhiệt căng thẳng” Ukraine.
Cuộc đối thoại của Thủ tướng Anh diễn ra sau phiên họp 2 ngày của các nước G7. Tại sự kiện, các nhà ngoại giao hàng đầu của G7 đã cảnh báo Moscow về “những hậu quả to lớn”, nếu như Nga thực hiện tấn công Ukraine. Các quan chức G7 khẳng định mọi phương án từ trừng phạt kinh tế cho tới ngoại giao quy mô lớn đều đang nằm trên bàn thảo luận, nếu như Nga phớt lờ giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng với Ukraine.
Còn trong tuyên bố, điện Kremlin cho biết đã nói với Thủ tướng Johnson, Tổng thống Putin cáo buộc chính quyền Kiev thi hành “đường lối phá hoại” và cho rằng Ukraine “cố tình làm căng thẳng thêm tình hình trên Đường giới tuyến bằng cách sử dụng các vũ khí hạng nặng và máy bay không người lái (UAV) tấn công”.
Đường giới tuyến là một hệ thống kênh đào và pháo đài phòng thủ dài hơn 400 km và cũng là nơi thường xuyên chứng kiến các cuộc đụng độ giữa lực lượng ủng hộ chính quyền Kiev và các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
Mỹ ước tính có bao nhiêu binh sĩ Nga đang ở biên giới Ukraine?
Tình báo Mỹ ước tính số lượng binh sĩ Nga được huy động tới sát biên giới với Ukraine đã tăng lên 175.000 người.
Minh Thu (lược dịch)