Nếu không muốn sưng nề, chảy dịch da đầu sau nhuộm tóc, chị em nhớ những điều này
Tết đến là dịp để nhiều người "tân trang" lại nhan sắc, nhuộm tóc là một trong những cách được nhiều người lựa chọn nhằm thay đổi phong cách.
Trong thuốc nhuộm có những thành phần gây hại trực tiếp đến da đầu |
Thế nhưng, ít người quan tâm trong thuốc nhuộm có những thành phần gây hại trực tiếp đến da đầu. Chị Nga (58 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dù biết dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp nhưng vì “Tết là phải đẹp” nên chị đã đeo khẩu trang đến salon tóc quen để nhuộm lại mái tóc vốn đã lâu không được tỉa tót.
“Tránh đông người, tôi đi từ sáng sớm, đến quá trưa mới xong nhưng từ trưa đến giờ cứ thấy đầu ngứa ngáy, hơi nóng rát. Khổ nỗi, lần này tôi lại nhuộm một loại thuốc mới được một người cháu mua cho. Dù không biết rõ xuất xứ nhưng cứ ngỡ mấy ai bị dị ứng với thuốc nhuộm tóc đâu. Ai ngờ”, chị Nga than phiền.
Người phụ nữ trung niên này lo lắng nói nếu tình trạng ngứa ngáy không khỏi thì sáng mai chị phải đến viện để khám. “Khả năng cao tôi bị dị ứng với thuốc nhuộm”, chị Nga cho hay.
Ths.Bs Lê Thảo Hiền - Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, nhiều người vẫn nghĩ thuốc nhuộm tóc không nguy hiểm nhưng thực chất đối với một số trường hợp, một số loại thuốc lại gây ra nhiều hậu quả nặng nề.
Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh đã từng tiếp nhận những bệnh nhân phải nhập viện do dị ứng với thuốc nhuộm tóc.
“Một số trường hợp sưng nề, thậm chí có trường hợp tình trạng dị ứng với thuốc nhuộm tóc nặng đến mức vùng sưng nề chảy nước”, BS Lê Thảo Hiền cho hay.
Do đó, BS Lê Thảo Hiền cho bết, khi nhuộm tóc các bạn phải chọn thuốc có thành phần tránh gây hại.
Bởi trên thực tế, có người chỉ bị dị ứng với thuốc này mà không dị ứng với thuốc khác do thành phần hoá chất trong các thuốc nhuộm khác nhau. Có người lại bị dị ứng với tất cả các thuốc nhuộm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia da liễu, trong bất kỳ loại thuốc nhuộm tóc nào đều có 2 hộp, một hộp thuốc màu và một hộp thuốc pha (thuốc trợ - hydrogen peroxide). Người bị dị ứng với mọi loại thuốc là do dị ứng với thuốc trợ. Thuốc trợ là một chất oxy hoá rất không tốt đối với sức khoẻ người sử dụng nhưng trong nhuộm tóc lại được coi là “chìa khoá” để mở lớp biểu bì cho phép các chất nhuộm màu thấm sâu vào chân tóc và không bị phai sau nhiều lần gội. Theo một nghiên cứu khoa học gần đây thì chất paraphenylenediamin - PPD có trong thuốc nhuộm màu chính là thủ phạm gây dị ứng cho một số người sử dụng.
Trong trường hợp tóc đã được nhuộm quá nhiều lần, BS Lê Thảo Hiền cho rằng cần phải được phục hồi trước cho tóc, da đầu khoẻ lại sau đó mới tiến hành nhuộm.
Cũng theo các bác sĩ, từ 20- 40 tuổi được xem là độ tuổi thích hợp nhất cho việc nhuộm tóc, còn ngoài khoảng tuổi này thì da đầu rất nhạy cảm hoặc dễ bị tác dụng phụ của thuốc. Điều này cũng lý giải vì sao, người nhuộm tóc đen (người cao tuổi) hay bị dị ứng hơn người nhuộm tóc màu (người trẻ).
Ngoài ra, việc dị ứng da đầu hay không nhiều khi còn phụ thuộc vào kỹ thuật của thợ làm tóc. Theo đó, với tóc khô thì nên lựa chọn gói phục hồi với những mỹ phẩm tốt để bảo vệ da đầu trước khi nhuộm.
Để hạn chế tối đa hoá chất trong thuốc nhuộm, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần lưu ý lựa chọn cho mình những loại thuốc phù hợp với cơ địa.
Cụ thể, trước khi nhuộm, nên thử một vùng ở mặt trong cánh tay để 1 giờ nếu không có phản ứng gì mới tiến hành nhuộm lên tóc.
Những người có cơ địa dị ứng như nổi mề đay, viêm da cơ địa, hen, chàm, eczema, dị ứng thức ăn, thuốc... cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc nhuộm tóc.
Đặc biệt, không nên quá lạm dụng việc nhuộm tóc. Cụ thể, không nên nhuộm quá 3 lần/tháng. Không nên sử dụng các loại thuốc nhuộm "dỏm" giá bèo, không rõ nguồn gốc. Cần dùng các loại nước gội đầu, dầu xả có chất lượng đảm bảo giữ màu cho tóc nhuộm.
Khi có bất kỳ phản ứng nào với thuốc nhuộm, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc dị ứng để xử lý kịp thời, tránh tự chữa hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác.
N. Huyền