Nền tảng công dân số thúc đẩy phát triển xã hội số
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh, xã hội số được xác định là 1 trong 3 trụ cột chính của công cuộc chuyển đổi số Thành phố Đà Nẵng (bên cạnh chính quyền số và kinh tế số).
Theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương cần đưa mọi hoạt động của người dân lên môi trường mạng. Người dân chỉ cung cấp thông tin lần đầu và sử dụng một tài khoản đăng nhập để dùng tất cả dịch vụ trực tuyến, sử dụng dữ liệu số để thay thành phần hồ sơ giấy trong các dịch vụ công.
Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, phần lớn thông tin/dữ liệu của đa số người dân ở Đà Nẵng chưa được số hóa và quản lý trên môi trường mạng. Các dịch vụ, tiện ích được cung cấp một cách rời rạc cho người dân bởi các nhóm cơ quan khác nhau, tải các ứng dụng khác nhau như: Dịch vụ hành chính công (của chính quyền các cấp), dịch vụ sự nghiệp công (môi trường, cây xanh, chiếu sáng, nước...), dịch vụ của doanh nghiệp (điện, viễn thông, ngân hàng...). Đa số các nhóm dịch vụ này chưa được chia sẻ thông tin người dùng, do đó người dân đều phải khai báo và cung cấp hồ sơ, thông tin cá nhân mỗi lần đăng ký sử dụng một dịch vụ mới.
Để khắc phục hiện trạng bất cập nêu trên, Nền tảng Công dân số My Portal đã được cung cấp tại địa chỉ https://congdanso.danang.gov.vn và trên ứng dụng di động Danang Smart City, tích hợp các dịch vụ số từ chính quyền, doanh nghiệp để người dân sử dụng dễ dàng, thuận lợi.
Với My Portal, mỗi người dân có 1 kho dữ liệu số thông qua tài khoản công dân số để thuận tiện sử dụng tất cả các dịch vụ số của chính quyền và doanh nghiệp như: Hẹn giờ thực hiện dịch vụ công; hẹn lịch khám chữa bệnh; tra cứu và thanh toán điện/nước/vệ sinh môi trường; đăng ký trực tuyến học nghề/tình nguyện viên/hiến máu/thẻ thư viện/vé xe bus…
“Đến nay, Nền tảng Công dân số My Portal đã cung cấp 100% dịch vụ hành chính công và sự nghiệp công (gần 2.000 dịch vụ) và 25 tiện ích thường dùng cho người dân. My Portal đã đồng bộ dữ liệu người sử dụng từ Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố và đăng ký mới từ người dân. Lũy kế tổng cộng đã có hơn 250.000 tài khoản công dân số, chiếm hơn 40% người dân có độ tuổi trưởng thành của thành phố”, ông Trần Ngọc Thạch cho biết.
Tài khoản công dân số không chỉ có thông tin về hành chính (định danh) của người dân mà cả các tài liệu, hồ sơ đã ký số, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (căn cước công dân, giấy khai sinh, bằng lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…), hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân… Tất cả thông tin trên được “gói” trong 1 mã QR cá nhân duy nhất theo quy chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ trong các giao dịch điện tử. Đặc biệt, tài khoản số sẽ vô cùng hữu ích trong kiểm soát lây lan khi có dịch bệnh xảy ra.
Một trong những kinh nghiệm hay của Đà Nẵng khi triển khai Nền tảng Công dân số My Portal là phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc hướng dẫn/tạo tài khoản công dân số cho người dân tại địa phương; Đoàn Thanh niên tạo tài khoản công dân số cho nhân viên/người lao động trong cơ quan/doanh nghiệp mình.
Hiện Nền tảng Công dân số My Portal đã sẵn sàng kết nối với các hệ thống thông tin định danh quốc gia, bao gồm cả Cơ sở dữ liệu Dân cư quốc gia.
Để Nền tảng Công dân số My Portal tiếp tuy phát huy hiệu quả, thúc đẩy tiến trình xây dựng và phát triển xã hội số trên địa bàn Đà Nẵng thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết Thành phố sẽ tiếp tục bổ sung phân hệ thông tin, dữ liệu số về học tập, phương tiện (xe máy, ô tô,…) vào kho dữ liệu số cá nhân; Tiếp tục tích hợp dịch vụ, tiện ích của doanh nghiệp (điện, viễn thông, ngân hàng, nhà hàng, khách sạn,...) để người dân sẵn sàng sử dụng; Tiếp tục công khai, cung cấp thông tin an sinh xã hội (mưa lũ, ngập lụt, thiên tai, môi trường,...) cho người dân theo hướng cá nhân hoá dựa vào tài khoản công dân số.
Ngọc Mai