Nền kinh tế không rơi vào giảm phát
Nền kinh tế không rơi vào giảm phát
Chiều 31/7, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: "Nếu điều hành năm nay lạm phát năm nay ở mức 7% và sang năm tiếp tục giảm thì mới là ổn định vĩ mô lâu dài, đây mới chính là điều nhân dân đòi hỏi" |
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Đam nhìn nhận, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Chính phủ 7 tháng đầu năm đã phát huy tác dụng.
Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ đã thực hiện gia hạn số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 4,5 và 6/2012 cho khoảng 208.250 lượt DN, với tổng số tiền thuế đã gia hạn xấp xỉ 10.000 tỷ đồng; giải quyết gia hạn nợ thuế thu nhập DN cho khoảng 8.260 DN, với tổng số thuế được gia hạn là 347,5 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất cho hơn 3.000 DN với tổng số tiền thuê đất được giảm là 339 tỷ đồng; giải quyết miễn thuế môn bài cho hơn 40.000 hộ đánh bắt hải sản.
Tuy có những dấu hiệu khả quan nhưng thách thức còn lại cũng không hề nhỏ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng 7 bằng khoảng 54,5% mức tăng của cùng kỳ năm 2011. Chỉ số CPI đã giảm liên tiếp trong 2 tháng (tháng 6 âm 0,26% và tháng 7 âm 0,29%).
Tổng dư nợ tín dụng vẫn còn thấp, trong đó dư nợ tín dụng đối với VNĐ chỉ tăng 0,93%. Tình trạng nợ xấu của các NHTM chưa được giải quyết triệt để và số dư nợ xấu có xu hướng tăng theo thời gian. Nhập siêu giảm mạnh so với cùng kỳ, khi 7 tháng đầu năm 2012 nhập siêu đạt 58 triệu USD, bằng 0,09% tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Điều này phản ánh sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam thẳng thắn.
Trước lo ngại nền kinh tế có thể rơi vào giảm phát khi 2 tháng liên tiếp CPI luôn ở mức âm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, chưa thể nói kinh tế rơi vào giảm phát.
Theo Bộ trưởng Đam, tốc độ tăng trưởng (GDP) chủ yếu ước lượng theo quý, khi có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp thì gọi là suy giảm. Nhưng ở Việt Nam các quý đều tăng trưởng dương. Điều đáng nói, so với các nền kinh tế trên thế giới riêng tốc độ tăng trưởng vẫn thuộc loại khá cao. “Đúng là thực tế tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước đây và so với kế hoạch, nhưng không có nghĩa suy giảm kinh tế”- Bộ trưởng Đam nói.
Riêng về câu chuyện giảm phát, người phát ngôn Chính phủ cho rằng, tính chung CPI 2 tháng vừa qua (tháng 6,7) là âm, nhưng nếu loại bỏ 2 nhóm hàng phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài là nhóm lương thực và năng lượng thì lạm phát lõi vẫn dương.
Dự báo, nhiều khả năng CPI tháng 8 sẽ tiếp tục âm nếu cộng 2 nhóm lương thực và năng lượng. Tính tổng lại từ nay tới cuối năm nếu không có biện pháp đặc biệt thì lạm phát cả năm không quá 7%. Điều này so với nền kinh tế Viêt Nam cần cân nhắc để có giải pháp đảm bảo vừa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng hợp lý.
“Ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn, về lâu dài DN muốn phát triển được thì kinh tế vĩ mô phải ổn định, NH phải có vốn dồi dào để cho DN vay với lãi suất thấp, ổn định. Do đó, để huy động được lãi suất thực dương thì lạm phát phải rất thấp. “Nếu điều hành năm nay lạm phát năm nay ở mức 7% và sang năm tiếp tục giảm thì mới là ổn định vĩ mô lâu dài. Đây mới chính là điều nhân dân đòi hỏi, tránh điều hành giật cục để lạm phát cao lên rồi siết lại, lại phải đưa ra gói kích cầu…”- Bộ trưởng Đam bày tỏ.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ hơn nữa để xử lý hai điểm nghẽn của nền kinh tế là “hàng tồn kho” và “nợ xấu”. Cùng với đó, phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đẩy mạnh xuất khẩu, ưu tiên hỗ trợ tín dụng đối với những mặt hàng có thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
Chính phủ cũng đề nghị khẩn trương rà soát, cơ cấu lại DN Nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong ngành nghề chính của DN.
Hoài Thu