Nên bỏ tù tài xế sử dụng ma túy?
Đã có quá nhiều sự việc đau lòng, những tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong liên quan đến tài xế sử dụng ma túy bị ảo giác.
Trên những tuyến quốc lộ, cao tốc, không ít những chiếc xe được điều khiển bởi những người sử dụng ma tuý.
Không ai biết, vào khoảnh khắc nào, những chiếc xe ấy sẽ biến thành “xe điên” gây ra tai họa. Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng cần xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.
Trường hợp lái xe dương tính với ma túy bị lực lượng thuộc Cục CSGT phát hiện trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên ngày 13/2.
Liên tục phát hiện lái xe dương tính ma túy
Ngày 14/2, trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, lực lượng CSGT đã kiểm tra bằng kit phát hiện nhanh xác định 3 tài xế điều khiển xe ô tô khách (loại trên 30 chỗ) BKS 29B-621.xx, 51B-187.xx và xe ô tô tải BKS 43C-249.62 dương tính với chất ma túy.
Trước đó, ngày 13/2, trên các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Thái Nguyên, lực lượng CSGT cũng phát hiện 2 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.
Khi cảnh sát lấy lời khai đối với các lái xe, họ đều thừa nhận sử dụng ma túy tổng hợp khi đi chúc Tết và dự sinh nhật bạn.
Đây không phải những trường hợp cá biệt. Nhiều năm nay, đã có hàng nghìn trường hợp tương tự trên cả nước bị phát hiện và xử lý.
Riêng trong năm 2021, trong số hơn 2,7 triệu trường hợp vi phạm bị xử phạt, có hơn 1.800 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, chiếm 0,06%.
BS. Nguyễn Đức Tuấn (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho hay, nhiều tài xế có quan niệm sai lầm là “ma túy giúp tỉnh táo”.
“Các loại ma túy nói chung sẽ gây sảng khoái tức thời. Sau đó thần kinh sẽ bị suy nhược, không làm chủ được hành vi. Lái xe khi phê ma túy xử lý tình huống sẽ không chính xác, nhất là những người điều khiển xe có trọng tải lớn”, BS. Tuấn nói.
Đã có quá nhiều sự việc đau lòng, những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong liên quan đến tài xế sử dụng ma túy, bị ảo giác và không kiểm soát được vô lăng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 năm/lần theo quy định như hiện nay hầu như không hiệu quả, bởi giấy chứng nhận sức khỏe không đáng tin cậy, không ít doanh nghiệp vẫn thực hiện theo kiểu đối phó.
Một số doanh nghiệp khoán cho lái xe, để cho lái xe tự đi khám sức khỏe ở những cơ sở y tế không có đầy đủ thẩm quyền, chức năng, dẫn đến việc kết luận khi khám sức khỏe lái xe của các cơ sở y tế đó không đảm bảo.
“Không ít trường hợp tài xế tìm cách qua mặt doanh nghiệp vận tải trong việc kiểm tra ma túy. Vì vậy, cần có hình thức xử phạt mạnh hơn với tài xế sử dụng ma túy”, ông Thanh nói.
Ngăn kiểu khám sức khoẻ đối phó
Nhiều ý kiến cho rằng, chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn cần được đặt ra để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng người sử dụng ma túy vẫn ngồi sau vô lăng.
Theo luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, chế tài hiện hành với đối tượng này là xử phạt hành chính và tước GPLX có thời hạn, buộc đưa đi cai nghiện.
Trong khi đó, hiện chưa có chế tài để loại bỏ vĩnh viễn một người sử dụng ma túy khỏi ngành vận tải.
Để ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng chất cấm khi điều khiển xe, Tổng cục Đường bộ VN đã yêu cầu các Sở GTVT thực hiện tuyên truyền, chấn chỉnh và yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải có cơ chế giám sát, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về khám sức khoẻ cho người lái xe. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện khám sức khoẻ theo quy định hoặc có khám nhưng chỉ để đối phó. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam |
“Trước thực trạng hiện nay, cần phải có giải pháp hiệu quả ngăn TNGT liên quan đến việc sử dụng ma túy.
Các nhà làm chính sách cần cân nhắc các chế tài nghiêm hơn nữa, không cho đối tượng này được điều khiển phương tiện”, luật sư Hướng nói.
Ở góc độ của người làm nghiên cứu, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông (Đại học Việt Đức) cho biết, qua khảo sát, phần lớn tài xế dương tính với ma túy là lao động tại các doanh nghiệp nhỏ, ít đầu xe.
“Doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín coi đó như một điều kiện thiết yếu đảm bảo cho tương lai của doanh nghiệp.
Như vậy, có mối liên hệ giữa tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, thậm chí chộp giật trong vận tải, với thái độ và cách thức tổ chức khám sức khỏe cho tài xế.”, ông Tuấn nói và cho biết, một nguyên nhân khác là tình trạng khan hiếm tài xế container, xe tải hạng nặng. Điều này cũng dễ dẫn đến việc doanh nghiệp “vắt kiệt” sức khoẻ tài xế.
Để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp khám sức khỏe cho lái xe theo kiểu đối phó, dẫn đến lọt tài xế nghiện ma túy, ông Tuấn cho rằng cần xem xét tổng thể tất cả các yếu tố trên, từ đó rà soát, bổ sung quy định và chế tài phù hợp.
Lái xe cố tình sử dụng chất cấm là giết người
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, theo quy định, nếu tài xế bị phát hiện có sự dụng ma túy thì chỉ xử lý tài xế, doanh nghiệp hoàn toàn không liên quan, cho đến khi vi phạm này được xác định là nguyên nhân dẫn đến TNGT.
“Rõ ràng quy định này chưa đủ ràng buộc để doanh nghiệp có ý thức nghiêm túc về kiểm soát sức khỏe của tài xế. Cần phải xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp khi để tài xế sử dụng ma tuý cầm vô lăng, hay ép tài xế làm việc quá thời gian quy định”, ông Quyền nói.
Thậm chí, ông Quyền còn đề xuất áp dụng tội danh “giết người” đối với người điều khiển phương tiện cố tình sử dụng chất cấm khi tham gia giao thông.
“Luật pháp cần phải xem xét theo hướng người điều khiển phương tiện cố tình sử dụng chất cấm. Cần phải thay đổi tội danh, khi sử dụng chất kích thích không làm chủ được mình, cố tình sử dụng chất cấm và gây tai nạn thì phải xử theo tội giết người, kể cả khi chưa gây hậu quả”, ông Quyền nói.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, cần tăng nặng chế tài xử phạt, không chỉ bằng tiền mà cả việc xem xét xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT mà có nguy cơ dẫn đến tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa xảy ra vụ việc.
Cùng với mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, Nghị định 100/2019 quy định: Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng.
Theo baogiaothong.vn