NATO tăng cường quân đội tại khu vực tiếp giáp Nga
Quân đội Ba Lan tham gia buổi tập trận quốc tế của NATO. |
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, lực lượng Phản ứng nhanh của NATO (NRF) ở châu Âu có thể tăng lên 30.000 binh lính (so với hiện tại là 13.000) và hầu hết sẽ được triển khai gần các khu vực biên giới tiếp giáp Nga.
Anh đã thông báo kế hoạch triển khai 1.000 binh lính và 4 máy bay chiến đấu đa năng Typhoon tham gia vào lực lượng Phản ứng nhanh ở miền đông châu Âu.
Sáu đơn vị lực lượng Phản ứng nhanh sẽ đóng tại Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan và Romania. Theo Reuters đưa tin, các đơn vị này được mong đợi có thể nhanh chóng củng cố khu vực để đáp lại bất cứ đe dọa nào từ phía Nga.
Ông Stoltenberg trả lời các phóng viên trước cuộc họp: “Bạo lực đang diễn biến tồi tệ ở Ukraine và khủng hoảng cũng ngày càng trầm trọng thêm. Còn Nga vẫn tiếp tục coi thường các điều luật quốc tế, hỗ trợ cho lực lượng ly khai”.
Khi cần, NRF có thể được triển khai chỉ trong 2 ngày. 25.000 binh lính còn lại sẽ hành quân trong vòng 1 tuần.
Tháng 9/2014, các nước Ukraine, Ba Lan và Litva đã thống nhất thành lập một lực lượng quân đội chung (LitPolUkrBrig) cùng tham gia huấn luyện năm 2015. Quốc hội Ukraine cũng đã phê chuẩn văn kiện này ngày 4/2.
Lữ đoàn khoảng 4.500 quân nhân này (3.500 người Ba Lan, 545 người Ukraine và gần 350 người Litva) dự kiến sẽ trở thành lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu (EU) hoặc một nhóm chiến đấu của NATO ở khu vực biên giới giáp Nga.
Theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Lukashevich, việc thành lập một lữ đoàn quốc tế như vậy sẽ làm gia tăng các mối lo ngại.
Tổng thư ký NATOJens Stoltenberg |
Cũng trong cuộc họp ở Brussels, NATO tuyên bố sẽ xây dựng một trung tâm huấn luyện ở Gruzia để cùng đào tạo quân đội với nước này. Tuy nhiên, mục đích của họ không phải nhằm chống lại Nga.
Bộ trưởng các nước thành viên NATO cũng bày tỏ sự biết ơn với chính quyền Gruzia vì sự giúp đỡ các chiến dịch của quân đồng minh, trong đó có cả ở Afghanistan và đánh giá cao vai trò của Gruzia trong việc đảm bảo an ninh khu vực Euro-Atlantic.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận thấy không có đe dọa ngay lập tức từ phía Nga đối với các nước vùng Baltic như Ba Lan, Bulgaria và Romania.
Ông Stoltenberg cho biết, các nỗ lực không ngừng của khối liên minh nhằm mục đích tăng cường hiện diện quân sự hiệu quả ở đông Âu là hành động phòng thủ đơn thuần để đáp lại các động thái của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine và hoàn toàn phù hợp với các quy tắc quốc tế của NATO.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo các nguồn tin từ Russia Today, Newsru.com và Sputnik.