Năm 2022 xảy ra 11.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 6.300 người
Cục Cảnh sát giao thông ngày 23/12 cho biết, trong năm 2022 (từ 15/12/2021 - 14/12/2022), toàn quốc xảy ra 11.450 vụ tai nạn, làm chết 6.384 người, bị thương 7.804 người.
Trong đó, đường bộ xảy ra nhiều vụ tai nạn nhất, với 11.323 vụ, làm chết 6.265 người, bị thương 7.777 người. Đường sắt xảy ra 95 vụ, làm chết 74 người, bị thương 21 người. Đường thủy xảy ra 32 vụ, làm chết 45 người, bị thương 6 người.
Trong năm 2022, lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện, ngăn chặn và xử lý 169 vụ, 2.836 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. Trong đó, công an các địa phương đã khởi tố 11 vụ, 68 bị can và xử lý hành chính 157 vụ.
Lực lượng CSGT toàn quốc cũng xử lý gần 2,9 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 4.124 tỉ đồng; tước 388.141 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 614.520 phương tiện các loại.
Trong đó, đường bộ xử lý 2.802.454 trường hợp vi phạm, phạt tiền 4.033 tỉ đồng. Lỗi vi phạm nồng độ cồn xử lý 308.508 trường hợp, lái xe dương tính với chất ma túy 1.818 trường hợp, chở hàng quá tải 62.643 trường hợp…
Đường sắt xử lý 6.222 trường hợp, phạt tiền 3,3 tỉ đồng; đường thủy xử lý 57.008 trường hợp, phạt tiền 87,6 tỉ đồng.
Trong năm 2022, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 812 vụ tai nạn, khiến hơn 400 người tử vong.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trong năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 812 vụ tai nạn giao thông, làm 410 người chết, 574 người bị thương. So sánh cùng kỳ năm 2021, giảm 15 vụ (tương đương 1,81%), tăng 60 người chết (17,14%) và tăng 27 người bị thương (4,94%).
Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từng bước kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố Hà Nội triển khai các phương án xử lý dứt điểm 19 “điểm đen” tai nạn giao thông tồn tại trong năm 2022 và 7 “điểm đen” mới phát sinh.
Các giải pháp được triển khai chủ yếu là: Bổ sung gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm trên cả hai chiều đường tại các đoạn tuyến hay xảy ra tai nạn giao thông. Tại một số khu vực, thực hiện cải tạo mở rộng mặt đường, sơn kẻ vạch và tổ chức lại giao thông, lắp đặt bổ sung biển báo, điều chỉnh đảo giao thông.
Riêng với 2 “điểm đen” trên Quốc lộ 3 đoạn thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, qua khảo sát, khu vực này đã có đầy đủ hệ thống biển cảnh báo tai nạn, gờ giảm tốc, đèn chiếu sáng, biển cấm vượt… Để tăng tính an toàn, các cơ quan chức năng đã tổ chức lắp đặt bổ sung 6 bộ biển hạn chế tốc độ 60km/h và 2 bộ hết hạn chế tốc độ 60km/h tại đầu “điểm đen” Km23+100 và cuối “điểm đen” Km28+500. Ngoài ra, còn cắm nhắc lại tại các vị trí nút giao lớn và qua khu vực đông dân cư…
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, cùng với tiếp tục rà soát, xử lý các “điểm đen”, trong năm 2023, Sở sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đèn tín hiệu giao thông để bảo đảm an toàn, không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng xuống cấp; tăng cường công tác trực gác tại 18 vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt; đôn đốc các quận, huyện triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Bảo Khánh