Muốn BSGĐ phát triển, từng đơn vị trong ngành y tế hãy làm đúng vị trí
Ảnh minh họa. |
Đó là nhận định của BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ Bệnh viện Quận 10 (TP.HCM). Theo BS Tùng, Bệnh viện Quận 10 đã triển khai mô hình BSGĐ từ năm 2011, hiện tại có 14 phòng khám tại bệnh viện và 6 phòng khám vệ tinh tại Trạm Y tế phường.
Bệnh viện luôn tạo điều kiện để BS ở Trạm Y tế phường tham gia khám tại bệnh viện để nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời hỗ trợ bác sĩ cho Trạm Y tế phường triển khai mô hình BSGĐ. Để Trạm y tế thực hiện được chức năng khám điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân luôn cần có sự hỗ trợ của tuyến trên.
“Để mô hình BSGĐ phát triển và có hiệu quả, theo ý kiến tôi, trước tiên cần có sự tự thân vận động của trạm y tế phường . Kế đến đó là sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ của bệnh viện tuyến trên. Và cuối cùng, cần có sự can thiệp tầm vĩ mô nhằm giúp trả về đúng chức năng của từng đơn vị trong hệ thống y tế nơi nào điều trị nội trú, nơi nào điều trị ngoại trú….
Việt Nam có một hệ thống mạng lưới y tế cơ sởsát với người dân từ thành thị cho đến thôn bản. Vì thế không có lý do gì mà chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu của mô hình BSGĐ không triển khai được” – BS Tùng nhận định.
Để BSGĐ hoạt động có hiệu quả hơn, BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm:“Hiện tại, chúng tôi đang nâng cao chất lượng ở trạm y tế, tương lai gần của trạm y tế sẽ đảm nhận luôn vai trò BSGĐ. Các bác sĩ sẽ được học thêm về y học gia đình. Hiện 191 trạm y tế đang hoạt động theo nguyên lý bác sĩ gia đình rồi”.