Mục đích Mỹ tái cơ cấu lực lượng vệ binh quốc gia là gì?
Mỹ đang chuẩn bị tái cơ cấu lực lượng Vệ binh Quốc gia để nâng cao khả năng tác chiến, hành động của Mỹ được cho là nhằm vào Nga và Trung Quốc.
Nhật báo Star của Mỹ mới đây đưa tin, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đang lên kế hoạch tái cơ cấu các biên đội tác chiến. Theo đó, sẽ cơ cấu đơn vị cấp lữ đoàn hiện nay thành đơn vị cấp sư đoàn, từ đó nâng đơn vị cấp sư đoàn từ 10 lên 18 để tăng cường năng lực tác chiến, đối phó với các cuộc xung đột lớn với Nga và Trung Quốc có thể phát sinh trong tương lai.
Vệ binh quốc gia là “lá chắn” cuối cùng của Chính phủ Mỹ. Nguồn: eastday.com. |
Trong 20 năm trở lại đây, Quân đội Mỹ đã tập trung vào việc cơ cấu các đơn vị cấp lữ đoàn để đáp ứng với yêu cầu của hoạt động chống khủng bố, đồng thời nâng cao năng lực phối hợp với các lực lượng khác trong hiệp đồng tác chiến.
Trong một bài phát biểu trước phương tiện truyền thông Mỹ vào tháng 7 vừa qua, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ, trung tướng Daniel R. Hokanson nhấn mạnh: “Từ Báo cáo Chiến lược Quốc phòng được công bố năm 2018, có thể thấy rằng nếu có một hoạt động tác chiến quy mô lớn với một đối thủ có sức mạnh tương đương, thì lực lượng tác chiến cấp sư đoàn là lực lượng phù hợp nhất cho hoạt động tác chiến đó”.
Năm 2018, Mỹ tuyên bố, trọng tâm trong chiến lược quốc phòng của nước này là chuyển từ chống khủng bố sang cạnh tranh giữa các cường quốc, đồng thời liệt khả năng phát sinh các cuộc xung đột lớn với các đối thủ như Trung Quốc và Nga vào “mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ”.
Theo ông Hokanson, sau khi điều chỉnh lại cơ cấu, 10 sư đoàn thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia hiện nay sẽ được biên chế thành 18 sư đoàn. Giới phân tích quân sự cho rằng, phải cần số lượng đơn vị tác chiến cấp sư đoàn như vậy, Mỹ mới có đủ khả năng đối phó với các cuộc xung đột với Trung Quốc và Nga có thể xảy ra trong tương lai.
Vệ binh Quốc gia Mỹ khả năng tác chiến đa năng. Nguồn: eastday.com. |
Hiện, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đang đóng tại 8 căn cứ chính ở các bang Virginia, Texas và các tiểu bang khác, lực lượng đồn trú tại mỗi căn cứ khoảng 300 binh sĩ, dưới căn cứ có lực lượng trực thuộc, tuy nhiên các căn cứ này không được biên chế như các đơn vị cấp sư đoàn chính quy của Mỹ hiện nay (mỗi sư đoàn chính quy hiện nay của Mỹ có khoảng 20.000 quân).
Do đó, khi tiến hành kế hoạch cơ cấu lại, một số đơn vị cấp sư, lữ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ sẽ có những biến động, ví dụ 1-200 quân thuộc tiểu đoàn Vệ binh Quốc gia Mỹ đóng tại New Mexico sẽ bị sáp nhập vào lữ 41 đóng tại Washington và lữ 41 sẽ thành đơn vị trực thuộc của sư 41 đóng tại California.
Trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn Cầu ngày 2/8, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viên nghiên cứu Hải quân Trung Quốc Trương Quân Xã cho rằng, những vấn đề tồn tại của Quân đội Mỹ hiện nay được xem như là “hiện tượng phát cuồng”, các quân, binh chủng Mỹ hiện nay đều lấy cái mà Mỹ gọi là “cạnh tranh nước lớn” để yêu cầu tăng quân, tăng ngân sách phân bổ và tăng cường trang bị vũ khí.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ hiện nay có 10 sư đoàn tác chiến, hơn 20 lữ đoàn độc lập với tổng quân số ước tính khoảng 400.000 người, với số quân như vậy, chỉ riêng Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đã hơn hẳn quân số của một số nước vừa hoặc nhỏ, tuy nhiên Mỹ vẫn lấy lý do “đối phó với những nguy cơ an ninh” để tăng cường quân số, biến 8 căn cứ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia hiện nay thành biên chế của các sư đoàn chính quy, khiến quân số Lực lượng Vệ binh Quốc gia từ 10 lên 18 sư đoàn tác chiến, đó là điều khiến cho các nước không khỏi “giật mình”.
Chuyên gia Trương Quân Xã nhận định, động thái trên của Mỹ là một biểu hiện mới cho sự cạnh tranh nội tại giữa các quân, binh chủng Quân đội Mỹ. Những năm gần đây, các lực lượng Hải, lục, không quân, lính thủy đánh bộ Mỹ đều không ngừng tăng cường binh lực, chính vì thế Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ cũng lên tiếng “đòi quyền lợi” nhằm tìm kiếm việc phân bổ ngân sách quốc phòng, đồng thời nâng cao “tầm quan trọng” của mình trong bảo vệ an ninh quốc gia.
Với những động thái tăng cường binh lực nhằm đối phó với những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, Quân đội Mỹ đang thể hiện một cách hết sức rõ nét tư duy hậu chiến tranh Lạnh, điều này không có lợi đối với hòa bình và ổn định trên thế giới.
Mỹ, NATO bất an trước hệ thống vũ khí ‘đáng sợ’ nhất thế giới của Nga
Nga vừa tiến hành thử nghiệm hệ thống chiến đấu ngầm đáng sợ nhất thế giới, đây sẽ là vũ khí chiến lược của Moscow để “chọc thủng” hàng phòng thủ của Mỹ và răn đe NATO.
Đức Trí (lược dịch)