Mùa khoe bảng điểm lung linh của con lại về khiến dân mạng "bội thực"
Sau mùa thi là mùa... khoe điểm. Việc phụ huynh khoe điểm số, giấy khen của con lên mạng xã hội năm nào cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Ngay sau khi đi họp phụ huynh về, có điểm tổng kết của con, chị H.L, phụ huynh một trường THCS ở TP. HCM đã nhanh tay đăng bảng điểm lung linh của con lên trang cá nhân. Đây là việc thường niên, định kỳ của chị mỗi năm 2 lần, sau mỗi đợt thi của con.
Facebook của chị nhận được những lời chúc mừng, khen ngợi, trầm trồ. Người mẹ "khiêm tốn" nói, con mình cũng vừa vừa thôi, vẫn chưa đạt... như kế hoạch.
Một người mẹ khác có con học THPT ở quận 3 lại khoe điểm con ở một tâm trạng khác. Con chị ở nhóm học sinh có điểm tổng kết học kỳ cao nhất. Chị cầm bảng điểm nhưng lăn tăn mãi có nên đăng không vì bản thân cũng khá ngại chuyện một số người móc mỉa mình khoe con.
Nhưng với chị, đây chỉ là cảm xúc của người mẹ, khoe con mình chứ không khoe con người khác. Khi đăng bảng xếp hạng, chị cũng tế nhị che hết tên tất cả các học sinh khác. Với tâm thế chia vui là chính, dường như chia sẻ của chị nhận được khá nhiều đồng cảm.
Những ngày qua, bảng điểm của con trẻ lại được nhiều phụ huynh khoe lên mạng xã hội. Dù nhiều người cho rằng mình không quan tâm đến thành tích, điểm số và chuyện điểm 9, 10 đã như là điểm "phổ cập toàn dân" nhưng những bảng điểm vẫn có sức thu hút lạ kỳ với mọi người. Tâm trạng của nhiều phụ huynh vẫn luẩn quẩn quanh chuyện điểm số của con.
Rất nhiều người bình luận vào chia sẻ, khen ngợi, đánh giá... mà ẩn đằng sau đó không ít nỗi niềm. Rõ nhất là nhiều phụ huynh không thoát ra được tâm lý so bì con mình với con nhà người khác dù có thể không cố ý.
"Bây giờ khoe điểm cũng hài hài. Có người họ cũng vào hưởng ứng, khen này nọ nhưng thật ra họ cười trong bụng. Còn người nào không thích việc khoe điểm thì họ sẽ rất dị ứng, khó chịu", một phụ huynh bình luận.
Đừng tạo thêm áp lực cho con
Từ tháng 6/2017, Luật Trẻ em có hiệu lực và vấn đề bố mẹ đưa bảng điểm của con lên mạng đã được đặt ra. Theo đó, cha mẹ muốn đưa thông tin cá nhân, trong đó có điểm số của con trẻ lên mạng, phải hỏi ý kiến của trẻ, nếu không sẽ phạm luật. Điều này không chỉ bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ mà còn nhằm đảm bảo an toàn cho các em.
Nhiều phụ huynh không biết rằng việc đưa thông tin, kết quả học tập của học sinh lên mạng có 2 mặt. Về mặt tích cực, trẻ tự hào vì được người lớn khen. Nhưng phần lớn chỉ là học sinh bậc tiểu học. Từ bậc trung học trở lên, do thay đổi tâm sinh lý, các em không muốn khoe điều này.
Ở khía cạnh tiêu cực, việc đưa kết quả của con lên mạng vô hình trung tạo áp lực học tập, năm sau phải cố gắng. Nếu không đạt, trẻ thường tìm mọi lý do để che giấu, nói dối, hậu quả khôn lường.
Điểm số của con trẻ có thể là niềm tự hào của cha mẹ này nhưng cũng có thể là nỗi tủi hổ của bố mẹ khác. Vì con khiến họ không ngẩng đầu lên được hoặc bố mẹ hiểu rằng, con không giỏi đến mức ấy nhưng do thành tích nhà trường mà con được "cân nhắc" cho điểm cao hơn.
Mới đây, trong mùa tổng kết năm học, mùa thi, một ông bố ở TP. HCM thông báo, sẽ "chặn" bất kỳ bạn nào trên Facebook của mình mà khoe giấy khen, điểm số của con.
Anh này cho biết, sau khi tổng kết năm học, các em học sinh trải qua một số kỳ thi như vào lớp 6, thi lớp 10, thi lớp 12. Như mọi năm, anh thấy nhiều bố mẹ từ khoe thành tích, giấy khen, xếp hạng, lại bắt đầu khoe điểm thi, trường thi của con.
"Bố mẹ khoe về bản thân thoải mái. Nhưng khoe giấy khen, điểm số của con mình thấy phản cảm, như thể đứa con là "trang sức" của họ vậy. Con học giỏi, điểm tốt ai cũng vui nhưng đó là việc của con, chưa kể qua một kỳ thi, còn rất nhiều trẻ chưa đạt được kết quả tốt, cần sự tế nhị", anh chia sẻ.
Không chỉ vị phụ huynh này, trên mạng xã hội, một số người tuyên bố chặn những người khoe giấy khen, điểm số của con. Họ cho rằng, bố mẹ khoe điểm của con trước hết là thiếu tôn trọng quyền riêng tư của con, rồi có thể làm tổn thương những đứa trẻ khác.
Trên thực tế, không phải học sinh kém mà những đứa bé học giỏi, sớm có nhiều thành tích lại là những trẻ gánh nhiều áp lực nhất. Các em bị áp lực thành tích sau phải cao hơn trước, áp lực từ sự kỳ vọng của bố mẹ, áp lực không được quyền thua cuộc, thất bại... Cha mẹ nên cho con hiểu, thành tích con đạt được sẽ "nhân thêm niềm vui" cho cha mẹ chứ không phải vì không đạt thành tích sẽ làm cho cha mẹ buồn.
Những đứa trẻ đạt điểm số cao khi đang đi học chưa chắc là những đứa trẻ thành công trong cuộc đời. Điều này, đòi hỏi phụ huynh phải biết cân bằng giữa việc học kiến thức với trau dồi các giá trị sống, kỹ năng sống.
Sau những điểm số trúng tuyển lớp Mười “kỳ cục” là gì?
Mấy ngày nay, huyện miền núi Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa trở thành tâm điểm của các thông tin giáo dục, bởi điểm trúng tuyển lớp Mười thấp đến mức… khó tin.
Theo Pháp luật và Bạn đọc