“Mưa” điểm 10 ở kỳ thi THPT quốc gia 2017 có gì bất thường?
Năm 2016, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 69 bài thi đạt điểm 10 và năm 2015 có 406 bài thi đạt điểm tuyệt đối. Năm nay, số lượng điểm 10 là gần 4.200 điểm. Nhiều người lo ngại việc điểm 10 tăng mạnh liệu có phải chất lượng giáo dục của chúng ta cũng tăng hay chỉ là những con số ảo? Việc quá nhiều điểm 10 phản ánh điều gì?
TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HDQT trường ĐH FPT. |
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT. TS. Lê Trường Tùng cho hay: “Đề thi như thế nào thì phản ánh chất lượng giáo dục như vậy. Nếu đề thi dễ thì đương nhiên sẽ nhiều điểm 10 và ngược lại.
Chúng ta không thể so sánh năm ngoái ít điểm 10 và năm nay nhiều điểm 10 là cuộc thi “có vấn đề”. Ví như môn Toán, năm ngoái thi dưới hình thứ tự luận còn năm nay thi dưới hình thức trắc nghiệm thì không thể so sánh được. Chúng ta chỉ so sánh lượng điểm 10 của năm ngoái và năm nay với những môn cùng thi hình thức trắc nghiệm như Lý, Hóa, Anh, Sinh.
Với những môn cả hai năm đều thi trắc nghiệm mà số điểm 10 lệch nhau quá nhiều thì chỉ có thể khẳng định: Năm ngoái đề quá khó và năm nay đề quá dễ. Điều này phụ thuộc vào cách thức ra đề.
Kỳ thi THPT quốc gia vừa phục vụ cho việc xét tốt nghiệp vừa phục vụ cho xét tuyển ĐH nên mong muốn làm sao để tạo ra được sự phân hóa với thí sinh. Đương nhiên cũng phải có những câu dễ để phục vụ xét tốt nghiệp và có những câu khó để phân loại được trình độ khác nhau của thí sinh.
Các trường ĐH sẽ căn cứ vào đó để tuyển đầu vào. Tuy nhiên, với năm nay khi điểm 10 tạo thành “mưa” thì có thể nói đề thi dễ. Ví như môn Toán nếu tính các thí sinh được 7 điểm trở lên thì có khoảng gân 200.000 thí sinh tức là chiếm ¼ số thí sinh dự thi. Từ 7 điểm trở lên tức là thí sinh làm được trên 35 câu trở lên.
Khi thí sinh điểm quá cao thì các trường ĐH sẽ vất vả hơn trong việc tuyển đầu vào".
May rủi khi được điểm 10?
Hiện tượng “mưa” điểm 10 như vậy liệu có xảy ra tình trạng thí sinh “đánh bừa” để được điểm cao? Nói về việc này, TS. Lê Trường Tùng cho hay: “Đúng là hình thức thi trắc nghiệm có đặc thù nhiều thí sinh không biết làm thế nào nên “chọn bừa” đáp án và may nên lại chọn được đáp án đúng.
Để chọn đúng được các đáp án trong cả đề thi xác suất là 25%. Bởi lẽ, một câu có 4 đáp án, chỉ có 1 đáp án đúng. Nếu một học sinh giỏi làm được 40 câu và “đánh bừa” 10 câu còn lại đúng hết thì xác suất là 1/ 800.000. Tức là 800.000 thí sinh dự thi chỉ có 1 thí sinh làm được thế”.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay quá nhiều điểm 10, chia sẻ về vấn đề này TS. Sái Công Hồng – Cục phó Cục quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) có nói: “Đây là những điểm 10 thực sự bởi với đề thi đã được chuẩn hoá như vậy mà các em vẫn có thể đạt được kết quả cao thì đó là điều rất đáng chúc mừng. Nhìn ở số liệu phân tích thống kê tại 59 tỉnh, thành phố, số lượng điểm 10 nhiều nhưng số lượng điểm 0 cũng rất lớn. Ví dụ, theo số liệu phân tích sơ bộ, môn toán có 278 điểm 10 nhưng có 761 điểm 0”.
TS. Lê Trường Tùng cho hay: “Có lẽ TS. Sái Công Hồng không để ý, nguyên tắc của việc thi trắc nghiệm là không có điểm 0, thí sinh không biết làm mà “đánh bừa” cũng đã được 2 điểm. Bộ GD&ĐT nên nhìn nhận thẳng thắn về vấn đề này, điểm 0 về nguyên tắc tức là các em không làm bài thi.
Trong khi đó, môn Toán là môn bắt buộc để xét tốt nghiệp thì cũng có 761 điểm 0. Vậy vấn đề ở đây là gì? Môn trắc nghiệm mà được điểm 0 là điều bất thường. Chúng ta cần xem xét lại về mặt tâm lý xã hội, về tổ chức chứ không còn vấn đề là đề dễ hay khó nữa”.
Nhiều người cho rằng, kỳ thi năm nay số lượng điểm 10 tăng vọt đã phản ánh chất lượng giáo dục. Giải thích về điều này, TS Lê Trường Tùng cho hay: “Chất lượng giáo dục không liên quan đến quá nhiều điểm 10. Giống như việc học sinh điểm cao môn Công dân không có nghĩa là đạo đức sẽ tốt.
Năm nay thi tích hợp các môn và thi dưới hình thức trắc nghiệm, cách thức ra đề thi cũng khác nên chúng ta không thể so sánh chất lượng với năm ngoái.