Một số tỷ phú yêu cầu Forbes không gọi họ là người Nga
Một số doanh nhân sinh ra và lớn lên ở Nga, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Forbes không gọi họ là tỷ phú Nga.
Trong số đó có người sáng lập Telegram Pavel Durov, người đã rời khỏi Nga 8 năm trước.
Theo Forbes, một số doanh nhân có liên quan đến Nga yêu cầu tạp chí của Mỹ không gọi họ là tỷ phú Nga. Trong vài tháng qua, số lượng các kháng nghị liên quan đã tăng lên trong bối cảnh các lệnh trừng phạt do các sự kiện ở Ukraine.
Đặc biệt, Pavel Durov, người sáng lập mạng xã hội VKontakte và ứng dụng nhắn tin Telegram, người đã rời khỏi Nga nhiều năm trước và không có ý định quay trở lại đã nói với Forbes yêu cầu như vậy.
Tỷ phú Pavel Durov, người sáng lập mạng xã hội VKontakte và ứng dụng nhắn tin Telegram. (Ảnh: Global Look Press) |
Vào tháng 4/2014, chính Durov đã giải thích quyết định rời khỏi Nga của mình trong bài viết có tên “Bảy lý do để không trở lại”. Năm 2013, Durov nhận quốc tịch của đảo Saint Kitts và Nevis, và vào mùa thu năm 2021, ông cũng trở thành chủ nhân của tấm hộ chiếu Pháp. Trong những năm gần đây, vị doanh nhân này đã sống ở Dubai, nơi Telegram có trụ sở chính.
Theo Forbes, Durov đứng thứ 3 trong số những người Nga giàu nhất, tài sản của ông hiện ước tính khoảng 15,1 tỉ USD.
Các doanh nhân khác có liên quan đến Nga và Ukraine
Hai anh em Igor và Dmitry Bukhman cũng yêu cầu không gọi họ là doanh nhân Nga, những người vào năm 2004 đã thành lập Playrix - một nhà phát triển trò chơi di động ở Vologda (Nga).
Những nhà sáng lập và chủ sở hữu duy nhất của hãng game Playrix là công dân của Israel, nơi họ đã di cư vào năm 2016. Hai anh em hiện sống ở London. Tài sản của họ ước tính khoảng 8,1 tỉ USD mỗi người.
Bên cạnh đó, yêu cầu tương tự cũng được đưa ra bởi các doanh nhân dưới đây: người đồng sáng lập công ty công nghệ Revolut (startup ngân hàng kỹ thuật số) Nikolay Storonsky (hiện nay là công dân Anh, trị giá 7,1 tỉ USD) và người đứng đầu công ty đầu tư Millhouse, ông Evgeny Shvidler (hiện nay có quốc tịch Mỹ và Anh, có tài sản ước tính 1,7 tỉ USD).
Trước đó, chính phủ Anh đã tạm giữ vô thời hạn hai chuyên cơ thuộc về Eugene Shvidler, nhà tài phiệt người Nga thân cận với tỷ phú Roman Abramovich - thông qua tập đoàn thép Evraz, Shvidler “đã nhận được lợi ích từ việc ủng hộ chính phủ Nga”.
Một doanh nhân khác trong danh sách này là Leonard Blavatnik, một người gốc Ukraine. Theo các nguồn tin, ông trở nên giàu có khi hợp tác với tỷ phú người Ukraine Viktor Vekselberg, người đang bị Mỹ và Anh trừng phạt vì “quan hệ thân thiết” với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Được biết, Blavatnik đã đầu tư vào công ty thu âm lớn trên toàn cầu Warner Music (New York), công ty hóa dầu LyondellBasell, quyên góp cho các trường đại học Stanford, Harvard và Oxford. Người đại diện của ông nói với Forbes rằng, doanh nhân này “chưa bao giờ là người Nga và không phải là nhà tài phiệt”, ông có quốc tịch Mỹ và Anh. Tài sản của vị doanh nhân này vào tháng 4/2022 ước tính khoảng 34,3 tỉ USD.
Thanh Bình (lược dịch)
Các thương hiệu xa xỉ hiến kế ‘lách luật’ cho khách hàng Nga
Theo trang tin Super.ru, các thương hiệu cao cấp nước ngoài từ tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH đã đưa ra yêu cầu cho điều kiện bán hàng hóa của họ đối với người Nga.