Một số cơ sở buông lỏng đào tạo tiến sĩ, gây bức xúc trong xã hội
Thời gian qua, chất lượng đào tạo tiến sĩ tại một số cơ sở đào tạo là một trong những đề tài làm nóng dư luận xã hội. Những băn khoăn của dư luận tập trung vào một số vấn đề như: Chất lượng tiến sĩ chưa đảm bảo, đề tài nghiên cứu không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, kết quả nghiên cứu không có điểm mới, chất lượng nghiên cứu sinh không đồng đều, một số cơ sở đào tạo tiến sĩ buông lỏng trong công tác quản lý đào tạo tiến sĩ…
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GD-ĐT cần có biện pháp tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ở các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học, chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.
Bộ GD-ĐT đang tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế về đào tạo tiến sĩ (ảnh minh họa) |
Có thể nói, trong điều kiện cơ sở vật chất cũng như đầu tư như hiện nay, các cơ sở giáo dục đào tạo được tiến sĩ là sự cố găng lớn, cần phải đánh giá cao. Hầu hết cơ sở đào tạo tiến sĩ hiện nay chấp hành nghiêm quy chế. Tuy nhiên, vẫn có nơi có lúc cơ sở buông lỏng quản lý chất lượng, chạy theo số lượng dẫn đến có những luận án tiến sĩ không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc trong xã hội.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế về đào tạo tiến sĩ với mục tiêu điều chỉnh những quy định bất cập, bổ sung thêm các điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như nâng cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong tổ chức quản lý chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng đào tạo tiến sĩ kém là nghiên cứu sinh không xác định rõ động cơ khi làm nghiên cứu sinh (NCS). NCS là đào tạo ra các nhà nghiên cứu với những trí tuệ mới chứ không phải đào tạo kỹ năng làm nghề. Nhiều NCS không xác định được rõ động cơ, mục tiêu này nên dẫn đến chất lượng không đảm bảo.
Nguyên nhân nữa là người hướng dẫn NCS do chất lượng chưa đồng đều nên quá trình hướng dẫn còn hạn chế, do hạn chế nên không tiếp cận được với học thuật thế giới.
Nguyên nhân tiếp theo là về phía cơ sở giáo dục đào tạo tiến sĩ. Do chưa thực hiện nghiêm quy chế nên chất lượng bị buông lỏng, một số cơ sở hội đồng không đảm bảo yếu tố khách quan. Ngoài ra còn do nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kinh phí đào tạo của chúng ta quá thấp, không đủ để NCS thực hiện các nghiên cứu có chất lượng.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo tiến sĩ. Theo đó, nghiên cứu sinh phải có tiêu chí “đầu vào” nhất định đòi hỏi cao hơn trước dây, trước hết là ngoại ngữ. Trước đây, quy định ngoại ngữ là chuẩn đầu ra, giờ không còn phù hợp nên phải quy định ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc trong tuyển sinh tiến sĩ. Ngoại ngữ là công cụ cần thiết để nghiên cứu sinh sử dụng vào nghiên cứu.
Công trình, luận án tiến sĩ là công trình khoa học phải chứa đựng cái mới, phải đăng trên các tạp chí quốc tế để người ta bình luận, phản biện để thấy cái mới trong luận án này.
Việc quy định người hướng dẫn để nghiên cứu sinh thực hiện tốt vài trò nghiên cứu cuả mình thì định hướng nghiên cứu của các thầy rất quan trọng; thầy phải đi trước, có hợp tác quốc tế mới định hướng hướng dẫn nghiên cứu sinh thành công luận án của mình.
Để thực hiện mọi điều trên, vấn đề quy định kinh phí, chi phí đào tạo NCS cũng phải nâng lên. Hiện chi phí 15 triệu/năm là quá thấp. Khó có thể đào tạo NCS bài bản. Mỗi lần nghiên cứu ra cái mới phải thí nghiệm thực hành, thực tập nên uộc phải có có đầu tư nhất định. Nếu có ít ngân sách chúng ta tập trung đầu tư cho ít nghiên cứu sinh hơn, còn hơn đầu tư dàn trải.
Nguồn VOV