Một kỳ thi quốc gia: Các Sở muốn phương án 1 vì ngại xáo trộn
Tổ chức ngay 2015, nhiều tỉnh chọn phương án 1
Theo ý kiến của đại diện nhiều Sở GDĐT, nếu tổ chức kỳ thi chung ngay năm 2015, thì có thể thực hiện được với phương án 1 mà Bộ GDĐT đề xuất mà không gây quá nhiều khó khăn cho giáo viên và người học.
Đồng tình với phương án 1, ông Bùi Đức Cường, Giám đốc sở GD-ĐT Thái Nguyên cho rằng phương án này phù hợp tình hình thực tế ở các địa phương và có thể làm ngay năm 2015 mà không lo quá gấp. Bởi theo ông Cường, phương án 1 phù hợp với cách kiểm tra, đánh giá và gần với công việc ngành giáo dục đã làm; nên sẽ không gây ra sự xáo trộn, tâm lí lo lắng cho xã hội.
“Còn về phương án 2 và 3, tôi nghĩ rằng cần phải có thời gian để chuẩn bị cho thầy và trò, cả cách dạy và cách học thì mới thực hiện được cách làm bài theo hướng tích hợp. Và cách thức ra đề cũng phải có thời gian công bố trước”, ông Cường bày tỏ.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM thì cho rằng: “Đối với phương án 1 chúng tôi hoàn toàn ủng hộ để thực hiện trong năm 2015. Nhưng phương án 2 và 3, cần có thời gian chuẩn bị để để người ra đề cũng như học sinh có thể làm quen với bài thi dạng tích hợp"
Cũng theo ông Sơn, phương án 2 có nhiều ưu điểm nhưng để tới 2016 khi đã chuẩn bị kĩ thì mới nên thực hiện.
Trên phương diện một trường ĐH, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội lại nghiêng về phương án 2. Tuy nhiên, GS Minh vẫn chưa không đồng tình với một điểm ở phương án 2 là việc 1 bài thi tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.“Đã tốt nghiệp phổ thông thì phải có nền tảng cơ sở, nên việc chọn cả tự nhiên và xã hội là cần thiết”- GS Minh cho hay.
Ông Bùi Đức Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng ủng hộ phương án 2 nhiều hơn. “Chúng ta đang muốn nâng khả năng tổng hợp, tích hợp của học sinh lên thì tôi nghĩ phải thi theo bài, chứ không thể thi theo từng môn được. Dạy thì có thể từng môn, nhưng thi phải theo bài”
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng nếu tổ chức vào năm 2015 thì e rằng hơi khó, và nếu tổ chức vào 2016 thì tốt hơn.
Cũng cho rằng phương án 2 là hay nhưng theo Ông Trần Thanh Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện ngay từ 2015 sẽ là hơi vội. Ông Đức đề xuất, năm 2015 sẽ tổ chức thi theo phương án 1, đến năm 2016 sẽ thực hiện theo phương án 2 và sau năm 2020 thì chuyển thực hiện phương án 3.
Là tỉnh miền núi, bà Vũ Thị Bích Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng có quan điểm trước mắt 2015 nên tổ chức phương án 1. “Bởi với phương án 2 và 3, thì tôi e học sinh miền núi chúng tôi sẽ chưa thể tiếp cận được việc thi tích hợp liên môn này. Kể cả, đội ngũ giáo viên cũng sẽ gặp khó. Tôi mong cách thi năm 2015 vẫn như năm vừa rồi.”, bà Việt nói.
Nếu giảm tốn kém, cần làm tới cùng
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định việc đổi mới thi phải gắn với việc đổi mới chương trình SGK, bám sát mục tiêu, định hướng đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện.
Đánh giá về các phương án mà Bộ GDĐT đưa ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng phương án 1 và 2 thực chất là một phương án vì không bắt học sinh thi hết các môn. Chỉ khác nhau ở chỗ thi theo môn và thi theo bài. Phương án 3 là mới là “học gì thi nấy”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những đổi mới dù khó khăn cho ngành giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì vẫn nên làm. Nếu cảm thấy một kỳ thi bớt được tốn kém cho xã hội, cho các gia đình, tiến dần đến với mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện thì phải quyết tâm và đi đến cùng.
Phương án 1: Thi 8 môn gồm: Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Sẽ có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi 4 môn thi tối thiểu gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.
Kết quả của 4 môn thi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp ngành đào tạo.
Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn của kỳ thi THPT quốc gia, còn lại để dùng cho đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Phương án 2: Thi theo bài, khi 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi. Gồm các bài thi Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Sử và Địa).
Với phương án này sẽ tổ chức 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi một bài thi. Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm 3 bài bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngừ; 1 bài thi tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.
Phương án 3:Sẽ thi theo bài. Nhưng trong kỳ thi, 11 môn học lớp 12 THPT được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi: gồm Toán-Tin (môn Toán và Tin học), Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ), Khoa học xã hội (gồm Văn, Sử, Địa, GDCD) và bài thi Ngoại ngữ.
Có 4 buổi thi trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi. Thí sinh phải thi cả 4 bài thi nói trên.