Môn Vật lý cần phải lưu ý ôn tập những kiến thức này
Thầy Mạnh cho biết, thi THPT quốc gia môn Vật lý gồm 7 chuyên đề chính: Dao động cơ, sóng cơ, điện xoay chiều, dao động điện và sóng điện từ, sóng ánh sáng, lượng tử ánh sáng, và vật lý hạt nhân nguyên tử.
Thầy Lê Hữu Mạnh (Trung tâm luyện thi Đại học Sư phạm) |
Sau đây là một số câu lý thuyết những năm gần đây thường hay thi mà học sinh nên chú ý: Với phần sóng ánh sáng và lượng tử ánh sáng, thí sinh nên chú ý các câu hỏi về định nghĩa các loại quang phổ, tính chất và điều kiện phát sinh của các loại quang phổ, các tính chất và ứng dụng của tia X, tia tử ngoại, tia hồng ngoại, tia Laze;
Các câu về tán sắc ánh sáng, đặc điểm của ánh sáng đơn sắc, đặc điểm của ánh sáng đa sắc hay các câu nói về tính chất của photon, của hiện tượng quang-phát quang, của hiện tượng quang điện trong và hiện tượng quang điện ngoài, nguyên tắc hoạt động của một số dụng cụ quang học như máy quang phổ lăng kính, pin quang điện, quang điện trở.
Với phần sóng điện từ các em nên chú ý các câu nói về tính chất của sóng điện từ, các loại sóng vô tuyến và thông tin liên lạc bằng sóng điện từ.
Với phần sóng cơ cần lưu ý định nghĩa sóng ngang, sóng dọc, các môi trường truyền sóng ngang, các môi trường truyền sóng dọc, các định nghĩa về bước sóng, tốc độ truyền sóng, các đặc trưng của âm thanh.
Khi học thí sinh nên chú ý các tính chất của sóng cơ và sóng điện từ. Các em nên có sự so sánh các tính chất chung và các tính chất riêng của chúng, từ đó mới nắm vững kiến thức một cách sâu sắc.
Ví dụ về tính chất chung, chúng đều tuân theo quy luật truyền thẳng, đều có thể phản xạ, khúc xạ, giao thoa, nhiễu xạ, đều có tần số sóng không đổi khi truyền từ môi trường này sang môi trường kia. Tính chất riêng là sóng điện từ truyền được trong chân không - sóng cơ không truyền được trong chân không .
Với phần dao động cơ cần chú ý những đại lượng nào dao động tuần hoàn cùng tần số, những dao động nào cùng pha, những dao động nào dao động vuông pha nhau, ngược pha nhau, giá trị cực đại, giá trị cực tiểu của các đại lượng này.
Về phần Vật lý hạt nhân nguyên tử thì cần lưu ý về nguyên tử đồng vị , cấu tạo hạt nhân, năng lượng liên kết, năng lượng liên kết riêng của hạt nhân, độ bền vững của hạt nhân (Các em chú ý các nguyên tử đồng vị là có cùng số hạt proton nhưng khác nhau số hạt nuclon.
Ngoài ra cũng cần quan tâm tới độ bền của hạt nhân được đặc trưng bởi năng lượng liên kết riêng của hạt nhân, hạt nhân có năng lượng liên kết riêng càng lớn thì càng bền. Các hạt nhân bền nhất là các hạt nhân có số khối loại trung bình), các tính chất của loại tia phóng xạ, đặc điểm của phản ứng phân hạch, phản ứng nhiệt hạch, so sánh các đặc điểm giống và khác nhau của phản ứng phân hạch, phản ứng nhiệt hạch và phóng xạ ( chú ý phóng xạ, phản ứng phân hạch, phản ứng nhiệt hạch đều tỏa năng lượng).
Trong phản ứng hạt nhân có những định luật bảo toàn cơ bản nào và không có những định luật bảo toàn nào. Chú ý trong phản ứng hạt nhân có các định luật bảo toàn điện tích, bảo toàn số hạt nuclon, bảo toàn năng lượng toàn phần và bảo toàn động lượng.
Không có định luật bảo toàn số hạt nơtron, không có định luật bảo toàn số hạt proton, không có định luật bảo toàn khối lượng, không có định luật bảo toàn năng lượng nghỉ và không có định luật bảo toàn động năng.
Về phần điện xoay chiều, chủ yếu thi bài tập còn lý thuyết ít thi hơn. Các em cần nắm vững độ lệch pha giữa điện áp, cường độ dòng điện của các mạch điện gồm một phần tử, hai phần tử, 3 phần tử điện, điều kiện cộng hưởng điện, nguyên tắc hoạt động của các máy phát điện xoay chiều và các động cơ điện, nguyên tắc hoạt động của máy biến áp.
Cũng theo thầy Mạnh, đề thi năm sau có tính kế thừa các đề thi năm trước, vì vậy để ôn luyện cho hiệu quả trước tiên các em phải nghiên cứu kỹ các dạng bài có trong đề thi môn vật lý của Bộ giáo dục và đào tạo trong khoảng 5 năm gần đây.
Sau khi đã luyện nhiều lần các dạng câu hỏi này rồi các em phải tìm tòi các dạng bài tập liên quan ,các bài tập hay mà đề thi những năm trước đây chưa có, những câu có chứa yếu tố mới thường là các câu dùng để phân loại học sinh.