Môn Lịch sử sẽ "biến mất" hay hòa trộn trong nhiều môn học khác?
Liên quan đến môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT vừa ban hành đang được xếp vào môn tự chọn, trong buổi hội thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể từ tầm nhìn đến hiện thực được tổ chức vào ngày 5/11, tại trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhiều chuyên gia đang khá lo lắng về vấn đề này. Họ cho rằng, dự thảo đang từng bước “khai tử” môn Lịch sử trong chương trình, tương ứng sẽ loại bỏ luôn trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào CĐ, ĐH.
Hội thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể từ tầm nhìn đến hiện thực. |
Theo dự thảo, cấp THPT sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1. Bên cạnh đó còn có các môn tự chọn như: Hóa học, Sinh học, Tin học, Lịch sử, Vật lý, Địa lý, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, các chuyên đề học tập về Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo và Nghiên cứu khoa học...
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT phân tích: “Nếu Lịch sử đặt ra là một môn học riêng sẽ có nội dung trùng với An ninh Quốc phòng, Giáo dục Công dân. Hơn nữa, nếu tách riêng sẽ không thực hiện được định hướng giảm môn bắt buộc và tăng cường môn tự chọn.
Ở nhiều quốc gia khác, học sinh sẽ hoàn toàn học theo môn học tự chọn. Giáo dục Lịch sử không phải chỉ có ở môn Lịch sử mà còn có trong môn Ngữ văn, Địa lý, Đạo đức, Công dân, Âm nhạc... Môn nào cũng đều có ý nghĩa giáo dục Lịch sử. Hình thức giáo dục Lịch sử của chúng ta nên đổi mới, hướng học sinh trở về với cội nguồn, đi thăm di tích lịch sử. Chúng ta không thể đánh đồng giáo dục Lịch sử chỉ là dạy Sử”.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT tham gia hội thảo. |
“Vị trí của Lịch sử không có gì thay đổi, tầm quan trọng của Lịch sử là điều tất yếu và đây cũng là môn học bắt buộc. Việc sắp xếp môn Lịch sử nằm ở vị trí nào là điều chúng ta đang cùng bàn luận. Trong bậc THPT, môn Lịch sử mỗi tuần sẽ có một tiết, trong 3 năm học là 105 tiết. Những môn Ngữ văn và Toán cũng là môn bắt buộc, mỗi tuần có hai tiết học.
Bên cạnh đó, trong chương trình mới, học sinh học Sử còn phải nhiều hơn. Bởi tất cả các em theo định hướng học khoa học tự nhiên, công nghệ đều học môn Khoa học Xã hội (trong đó có Lịch sử). Những em theo định hướng học chuyên ngành Khoa học Xã hội, sẽ học Lịch sử 2 (Lịch sử tự chọn). Như vậy, giờ học Lịch sử sẽ còn nhiều hơn trước”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống phân tích.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống thẳng thắn nhìn nhận: “Nếu thế hệ trẻ quay lưng lại với Lịch sử thì đây là điều rất nguy hiểm". |
Theo quan điểm của PGS. TS Đỗ Ngọc Thống, môn Lịch sử không thể biến thành khoa học Lịch sử (đây là phần dành cho những nhà nghiên cứu). Một trong những hạn chế lớn nhất của chương trình giáo dục hiện hành là chúng ta bê nguyên xi khoa học tương ứng từ ĐH xuống chương trình THPT. Các môn học phải được qua bàn tay nhào nặn của nhà sư phạm để có những bài học sinh động.
Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Nếu thế hệ trẻ quay lưng lại với Lịch sử thì đây là điều rất nguy hiểm. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đang lắng nghe ý kiến của toàn xã hội góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Nếu hợp lý, Bộ GD&ĐT sẽ tách Lịch sử ra thành môn học riêng”.