Mỗi năm thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình chiếm 1,41% GDP
Ảnh minh hoạ |
Nhiều phụ nữ bị bạo hành
Theo thông tin từ Liên hiệp hội Phụ nữ Việt Nam tại Việt Nam 58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình trong suốt cuộc đời, và 34% đã chịu đựng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục; trên 50% đã bị lạm dụng tình cảm trong suốt cuộc đời họ; 87% phụ nữ bị bạo lực không tìm đến sự hỗ trợ các của cơ quan chức năng; 64% phụ nữ trong độ tuổi 15-49 nghĩ nam giới bạo lực với phụ nữ là bình thường.
Theo thống kê của lực lượng Công an Hà Nội, các vụ trọng án do xung đột, mâu thuẫn tức thời trong đời sống sinh hoạt, nhất là sát hại người cùng gia đình chiếm hơn 60% số vụ giết người năm 2014.
Bạo lực gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nạn nhân, trẻ em, chính thủ phạm và thành viên khác trong gia đình, cũng như tổn hại về kinh tế và an ninh xã hội. Các hậu quả có thể diễn ra ngắn hạn hoặc dài hạn, và ảnh hưởng lên thể chất, tâm lý, xã hội. Sức khỏe và năng lực sống của nạn nhân có thể chịu tác động trước mắt hoặc lâu dài, nghiêm trọng, bao gồm cả tổn hại tới các trẻ em phải chứng kiến bạo lực hoặc bị bạo lực cùng mẹ.
Theo nghiên cứu, ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam của tổ chức phụ nữ Liên hiệp quốc (UN Women, 2012), ước tính rằng cả các chi phí thực trả cho chữa trị y tế, can thiệp của công an, trợ giúp pháp lý, học phí trẻ em bỏ học... và thu nhập bị mất chiếm 1,41% GDP Việt Nam và ước tính tổng thiệt hại về năng suất lao động có giá trị tương đương 1.78% GDP. Tương đương với 5,615,429 tỷ đồng đã bị mất đi hằng năm bởi bạo lực gia đình.
Trong khi đó các cơ sở tham vấn, cơ sở hỗ trợ phụ nữ trẻ em bị bạo lực giới đóng vai trò quan trọng, là hợp phần không thể thiếu trong chuỗi các biện pháp can thiệp phòng chống bạo lực giới. Các cơ sở hỗ trợ có chức năng hỗ trợ nạn nhân trong trường hợp khẩn cấp nhằm đảm bảo sự an toàn cho phụ nữ và những người liên quan, cung cấp các dịch vụ nhằm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em phục hồi tâm lý, thoát khỏi tình trạng bạo lực, có cuộc sống an toàn, lành mạnh.
Từ khi Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống mua bán người ra đời, Chính phủ đã đưa nhóm phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, bị mua bán vào nhóm đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp tại các cơ sở bảo trợ xã hội của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (Nghị định số 68/2008/CP). Đây cũng là nhóm đối tượng cần được ưu tiên trong các chương trình quốc gia của Chính phủ về phòng, chống bạo lực gia đìnhvà phòng chống mua bán người,phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Chính phủ khuyến khích các tổ chức cá nhân thành lập các cơ sở hỗ trợ phụ nữ trẻ em bằng các chính sách hỗ trợ linh hoạt.
Vai trò của cơ sở tham vấn
Nhằm ứng phó với bạo lực giới một cách tổng thể và giải quyết được nguyên nhân sâu xa, phòng tham vấn, cơ sở hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới có các nhiệm vụ như cung cấp đường dây nóng kết nối kịp thời, cung cấp dịch vụ tham vấn hiệu quả cho các nạn nhân bị bạo lực giới với mục tiêu giải đáp dịch vụ kịp thời và kết nối giải cứu nạn nhân bị bạo lực giới;
Ngoài ra, các tổ chức này có có nhiệm vụ tham vấn phòng chống bạo lực giới (bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại/ quấy rồi tình dục); tham vấn về các vấn đề trong hôn nhân gia đình ( giáo dục tiền hôn nhân, kỹ năng giao tiếp ứng xử với các thành viên trong gia đình; kỹ năng làm cha mẹ, nuôi dạy con; sức khoẻ sinh sản...).
Cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện (nơi ăn ở an toàn; chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ y tế; tham vấn tâm lý; hỗ trợ pháp lý; tư vấn nghề và học nghề; trị liệu tâm lý;
Nâng cao kỹ năng sống; trợ giúp sau khi hồi gia) cho thân chủ nhằm giúp họ phát huy khả năng tiềm ẩn, sức mạnh của bản thân,
Nâng cao nhận thức về quyền, về bạo lực lực giới, về luật và hỗ trợ để phụ nữ ra quyết định, tự giải quyết vấn đề của mình và hồi gia bền vững.