Mô hình trường học không SGK: Bộ GD&ĐT nói gì?
Đây cũng là năm đầu tiên Bộ GDĐT chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) ở cấp THCS.
PV Infonet đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GDĐT để hiểu hơn về mô hình trường học mới này.
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học - Bộ GDĐT |
Ông có thể cho biết điểm khác biệt của mô hình trường học mới (VNEN) so với mô hình nhà trường truyền thống?
So với mô hình truyền thống nặng về truyền thụ kiến thức có tính áp đặt, VNEN khắc phục được nhược điểm này, đảm bảo sự hài hòa giữa dạy chữ và dạy làm người. Đây là giải pháp đổi mới toàn diện, có tính hệ thống, bao gồm: Đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá, cách thức tổ chức quản lý lớp học, quản lý nhà trường và đổi mới sự tham gia của cha mẹ học sinh, cộng đồng.
Có thể thấy sự khác biệt trên nhiều phương diện. Thứ nhất, tài liệu dạy và học trong mô hình VNEN không phải SGK như thường thấy, mà là tài liệu “hướng dẫn học” dùng chung cho giáo viên, học sinh và phụ huynh, được cấu trúc làm 3 phần: hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành, hoạt động ứng dụng.
Thứ hai, lấy “hoạt động học” làm trung tâm, giáo viên không giảng giải, không truyền thụ kiến thức một chiều cho cả lớp nghe, mà tập trung theo dõi, hướng dẫn học sinh tự học và hỗ trợ kịp thời từng nhóm học sinh khi gặp khó khăn.
Thứ ba, tổ chức lớp học thay đổi căn bản, các em ngồi học theo nhóm, có nhóm trưởng luân phiên điều hành.
Thứ tư, chú trọng hoạt động tự giáo dục của học sinh, bao gồm tự quản, tự học, tự đánh giá.
Công cụ tự quản quan trọng nhất là Hội đồng tự quản học sinh do học sinh bầu ra dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ngoài ra, còn có các công cụ như: các góc học tập, góc cộng đồng, thư viện lớp học, các hộp thư “điều em muốn nói”, “hộp thư bè bạn”…
Đặc biệt, cách đánh giá học sinh có sự thay đổi căn bản, đánh giá quá trình học tập, kết hợp định lượng (bằng cách cho điểm) và định tính(bằng nhận xét) của giáo viên, phụ huynh và đánh giá của học sinh, chứ không chỉ đánh giá kết quả học tập thông qua điểm số như trước đây.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục tiểu học trong năm học 2014-2015 là triển khai hiệu quả mô hình VNEN và mở rộng áp dụng ở những trường có điều kiện. Xin ông cho biết rõ hơn về chủ trương này?
Mô hình VNEN chính thức triển khai từ năm học 2012-2013 ở 1447 trường thuộc 63 tỉnh thành, chủ yếu là các trường ở vùng khó khăn. Sau 2 năm thực hiện, kết quả đạt được rất khả quan. Hầu hết học sinh thể hiện sự mạnh dạn, tự tin và chủ động tham gia các hoạt động giáo dục.
Tình trạng dạy học áp đặt một chiều của giáo viên và lối học thụ động của học sinh được khắc phục đáng kể. Mối quan hệ, tương tác giữa học sinh với giáo viên, và quan hệ giữa học sinh với nhau được tăng cường.
Nhiều địa phương thấy hay đã chủ động nhân rộng (toàn phần và từng phần) mô hình. Năm học 2013-2014 cả nước có 257 trường tự nguyện nhân rộng toàn phần mô hình bằng nguồn xã hội hóa giáo dục, đến năm học 2014-2015 con số này đã lên tới gần 1000 trường.
Từ thực tế này, Bộ GDĐT chỉ đạo tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình VNEN và mở rộng áp dụng ở những trường có điều kiện, trên tinh thần tự nguyện. Điều cần lưu tâm là chất lượng, chứ không phải chạy theo số lượng. Điều kiện đến đâu, triển khai đến đó, thận trọng và chắc chắn, tránh tình trạng “làm theo phong trào”.
Chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra để có giải pháp kịp thời. Cũng từ năm học này, Bộ GDĐT tiến hành thí điểm mô hình VNEN ở cấp THCS tại 24 trường thuộc 6 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Kon Tum, Đắc Lắc, Khánh Hòa.
Điều kiện tiên quyết để có thể triển khai hiệu quả mô hình VNEN là gì, thưa ông?
Mô hình VNEN không đòi hỏi điều kiện gì lớn về cơ sở vật chất, mà quan trọng và tiên quyết vẫn là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Việc thành công hay không chính là ở đội ngũ này.
Họ phải hiểu về mô hình và biết cách chuyển từ hoạt động dạy của giáo viên sang hoạt động học của học sinh, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học trò, đảm bảo sự cân đối giữa dạy chữ và dạy làm người cho học sinh.
Nhiều GV lo ngại học sinh không hiểu bài bởi ở các lớp VNEN, GV không giảng giải, mà chủ yếu là hướng dẫn HS tự học. Theo ông, cần làm gì để tháo gỡ?
Lo ngại này là một thực tế có thật. Bởi lâu nay giáo viên vẫn quen giảng giải, truyền thụ một chiều và học sinh thụ động học theo những gì giáo viên truyền đạt. Bây giờ cách dạy, cách học hoàn toàn khác.
Giáo viên không giảng giải, mà tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học. Khi học sinh đọc tài liệu làm việc, trao đổi tương tác với bạn trong nhóm mà chưa hiểu thì yêu cầu sự hỗ trợ của cô giáo.
Nếu giáo viên biết cách theo dõi, quan sát, tập cho HS cách học mới và đồng hành cùng các em trong quá trình học tập, thì tất cả học sinh sẽ hiểu bài, vì cách dạy, cách học, đánh giá được quá trình học tập của từng nhóm, từng học sinh.
Cũng cần phải nói rằng, để thay đổi nhận thức, nhất là bỏ thói quen “thuyết giảng” ăn sâu vào giáo viên là không dễ, cần có quá trình. Trước hết chúng tôi sẽ giới thiệu để đội ngũ giáo viên hiểu rõ bản chất mô hình VNEN và quan trọng hơn là hướng dẫn họ cách làm, thông qua hoạt động tập huấn.
Trước đây các lớp tập huấn nặng về giảng giải, lý luận, thì nay tập huấn chủ yếu là thực hành, trải nghiệm, hợp tác để giáo viên tự nhận ra điều hay của mô hình, cùng nhau chia sẻ những thuận lợi, khó khăn để có cách làm phù hợp…
Ngoài các lớp tập huấn trực tiếp, chúng tôi khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên chia sẻ kinh nghiệm qua mạng, qua dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề…
Phương châm là “người biết nhiều chia sẻ cho người biết ít”, đơn vị được thụ hưởng dự án giúp đỡ các đơn vị ngoài dự án, để việc tự nguyện nhân rộng mô hình thực sự hiệu quả. Hy vọng, sự hỗ trợ này sẽ bớt đi những khó khăn, lo lắng cho giáo viên, và quan trọng hơn là truyền cảm hứng để thực hiện thành công mô hình VNEN.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!