“Mẹ sẽ giúp con tránh bị lạm dụng tình dục”
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em tránh nguy cơ lạm dụng tình dục - ảnh minh họa |
Thưa bà, trước tình trạng tỉ lệ trẻ em gái bị lạm dụng tình dục ngày càng gia tăng ở một số địa phương với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bà có ý kiến, biện pháp như thế nào để giảm bớt tình trạng này?
Theo tôi, để hạn chế tình trạng này thứ nhất là các bậc ông bà, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, dạy dỗ rất cụ thể để cho con em không may rơi vào tình trạng bị lạm dụng, biết cách thoát ra khỏi cạm bẫy. Thứ hai là bố mẹ, gia đình phải để ý đến con cái, theo dõi sát sao từng hoạt động của con.
Bị bố xâm hại tình dục: Ám ảnh mỗi lúc về nhà
Đặc biệt, ngay từ bé phải hướng dẫn con biết được để cảnh giác và cho con tham gia các lớp học kỹ năng sống. Nếu có các tài liệu giúp cho các ông bố, bà mẹ để họ có thể đọc, tham khảo có phương pháp dạy con. Đồng thời, các cấp, ngành chức năng cũng phải tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để từng người dân, các gia đình biết được có những tình trạng như vậy để họ quan tâm, có nhiều trường hợp do bận làm ăn không quan tâm được con cái.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa trả lời phỏng vấn của PV báo Infonet.vn. |
Như vậy vai trò của gia đình có tác dụng chủ yếu đến việc hạn chế tình trạng này, thưa bà?
Đúng như vậy, theo tôi vai trò của gia đình là rất quan trọng, trong đó có vai trò của ông bà, cha mẹ, anh chị lớn hơn thì quan tâm đến đứa bé. Đặc biệt là các trường hợp không may rơi vào tình trạng đau lòng ấy, thông thường là họ muốn nói ra, đó là trường hợp quá đặc biệt mình cũng phải có biện pháp để các gia đình không may có con bị lạm dụng biết cách bảo vệ con cái, tránh cho con những thất thiệt được tư vấn để vừa bảo vệ được quyền lợi, bảo vệ bí mật cho đứa bé, nếu nói ra còn cả tương lai của các cháu ở phía trước. Riêng với những trường hợp các cháu do gia đình khó khăn chưa đến tuổi lao động nhưng đã phải xa gia đình để làm ăn kiếm sống thì các gia đình, doanh nghiệp thuê các em làm việc phải hướng dẫn cho các em biết cách phòng tránh, để các em có thể nhận biết được những biểu hiện của tình trạng lạm dụng để biết cách phòng tránh, thoát ra được tình cảnh đó.
Với vai trò của mình, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã có những biện pháp tuyên truyền như thế nào để hạn chế tình trạng trẻ em gái bị lạm dụng tình dục, thưa bà?
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thông qua tờ báo Phụ nữ để đưa thông tin về các trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục để tuyên truyền, cảnh báo đến các gia đình, tầng lớp nhân dân. Đồng thời, có công văn để chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ cảnh báo cho các bà mẹ để bảo vệ cho con mình. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa, lồng ghép công tác tuyên truyền phổ biến về nội dung giáo dục kỹ năng sống cho các em để các em biết cách tự bảo vệ mình trong các trường.
Cách làm cụ thể sẽ được triển khai như thế nào thưa bà?
Qua các buổi sinh hoạt của các cấp Hội theo định kỳ, chúng tôi sẽ đưa ra các tài liệu, đề tài để trao đổi, làm sao gây được sự quan tâm chú ý của các bà mẹ để bảo vệ con cái. Nếu tạo được sự quan tâm của các bà mẹ, họ sẽ tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình như ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác sẽ chú ý. Nếu muốn họ chú ý quan tâm thì mình phải đưa ra được các kiến thức, biểu hiện, ngăn chặn như thế nào để phòng tránh tình trạng trẻ em gái bị lạm dụng tình dục. Theo tôi, việc ngăn chặn, phòng tránh phải được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên để làm được điều này thì vai trò của chính quyền địa phương cũng không nhỏ.
Như bà nói, chính quyền địa phương, xã phường có vai trò không nhỏ để ngăn chặn, phòng tránh tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng vai trò đó đã được phát huy hiệu quả chưa?
Theo tôi, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất lớn để tạo ra môi trường trong lành. Nhưng về việc này, tôi thấy các đoàn thể cần làm đúng với vai trò của mình. Thanh niên có vai trò của thanh niên, Nông dân có vai trò của nông dân và Hội phụ cũng đưa ra để tuyên truyền về việc này, nhưng có điều là làm chưa hiệu quả, chưa tốt.
Các tổ chức đoàn thể cần đứng ra tổ chức thực hiện, động viên tuyên truyền, nhưng cụ thể từng chi tiết một vẫn phải là các gia đình mà trong đó vai trò quan trọng hơn cả là các bà mẹ. Cái quan trọng hơn cả là làm thế nào đánh thức được ý thức của người lớn trong gia đình, cho các bà mẹ kiến thức từ các tài liệu.
Các tài liệu cung cấp cho các cấp hội liệu đã đẩy đủ các kiến thức cho các bà mẹ chưa?
Hiện nay, Hội Phụ nữ cũng đã cung cấp tài liệu cho hội viên các cấp, nhưng cũng chưa được nhiều, chỉ lồng ghép vào nội dung dạy con. Hiện nay chúng tôi đang triển khai thực hiện đề án giáo dục 5 triệu bà mẹ có con dưới 16 tuổi, trong đó chúng tôi rất lưu ý tới những gia đình có con ở tuổi vị thành niên và lưu ý ở việc dạy dỗ cho các con những kỹ năng sống. Đây là đề án của Chính phủ, mới triển khai điểm ở 14 tỉnh, thành và mở rộng được mấy tỉnh. Nói chung khi thực hiện đề án cũng tạo được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương tới việc nuôi dạy trẻ và quan tâm tới bối cảnh trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, ở những nơi không triển khai đề án chúng tôi cũng cấp ngân sách để cung cấp tài liệu trong các buổi sinh hoạt tổ phụ nữ.
Việc dạy kỹ năng sống trong các trường học hiện nay cho trẻ có thực sự hiệu quả?
Muốn tuyên truyền tốt phải làm đồng bộ, chỉ học trong nhà trường không cũng không được, nhiều khi việc tuyên truyền giáo dục ở nhà trường mới chỉ dừng lại ở lý thuyết. Còn hiệu quả hơn cả chủ yếu phải từ các bà mẹ là quan trọng.
Xin cảm ơn bà!