Mắt mờ, chân chậm, lở loét toàn thân do uống thuốc nam chữa đái tháo đường
Ngày 30/8, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân L.V.T, (27 tuổi trú tại huyện Thạch An) đến khám trong tình trạng tiêu chảy, mệt mỏi, ăn uống kém.
Người nhà bệnh nhân cho biết người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường được hơn 3 năm nhưng không dùng thuốc do bác sĩ kê đơn, sau một thời gian dài uống thuốc nam người bệnh có thể trạng suy kiệt, nhiều vết loét nhiễm trùng trên da, cho đến khi mắt nhìn mờ, kém gia đình mới đưa đến viện khám và điều trị.
Qua thăm khám các bác sĩ có chỉ định nhập viện điều trị với chẩn đoán tiêu chảy rối loạn chức năng, bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline.
Ảnh minh hoạ |
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài các bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa kết hợp với điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý.
Đến nay, thế giới chưa có loại thuốc nào giúp chữa dứt điểm bệnh tiểu đường chỉ sau một vài đợt điều trị. Do vậy hiện nay có nhiều gian thương lợi dụng sự lo lắng, thiếu kiên trì của bệnh nhân để quảng cáo về những phương thuốc bí truyền có thể chữa khỏi bệnh này.
Để tránh tiền mất tật mang có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, các bác sĩ cảnh báo bệnh nhân mắc đái tháo đường không nên mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ đặc biệt là viên thuốc dạng viên hoàn, bài thuốc bí truyền chưa được kiểm định để tự điều trị tiểu đường.
Trong những năm gần đây, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang ngày càng là vấn đề lớn đối với giới y khoa cũng như đối với cộng đồng.
Theo TS.BS. Bùi Văn Tân, Chủ nhiệm Khoa Khám bệnh, Bệnh viện TƯQĐ 108, đái tháo đường (hay tiểu đường, đái đường) là một bệnh chuyển hoá, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn chất insulin (hormon của tuyến tuỵ) trong máu.
Đây là một loại bệnh rất hay gặp (ĐTĐ chiếm tỉ lệ tới 60 - 70% các bệnh về nội tiết nói chung) và gây nhiều biến chứng ở các cơ quan trong cơ thể.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, bệnh ĐTĐ biểu hiện bằng sự rối loạn chuyển hoá glucose, nồng độ glucose trong máu ngày càng tăng và xuất hiện glucose trong nước tiểu.
Tại Việt Nam tỉ lệ người mắc ĐTĐ ngày càng tăng và có tới 50% người mắc ĐTĐ không biết mình có bệnh. Ngoài ra một số người bị ĐTĐ còn có nguyên nhân là do các bệnh nội tiết khác, hoặc do thuốc và hoá chất ...
ĐTĐ có 2 dạng chính, đó là ĐTĐ typ 1 và ĐTĐ typ 2. ĐTĐ typ 1 là ĐTĐ lệ thuộc insulin (hay gặp ở người trẻ tuổi). Đây là một tình trạng rối loạn chuyển hoá, mà nguyên nhân chính là do tế bào beta của tuyến tuỵ không tổng hợp và tiết đủ insulin, lượng insulin lưu hành trong máu rất ít, nên không thể điều hoà được lượng glucose trong máu. ĐTĐ typ 1 là một bệnh thể nặng, thường xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính, hay gặp sau khi nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc, có thể dẫn đến hôn mê.
Khác với ĐTĐ typ 1, bệnh ĐTĐ typ 2 không lệ thuộc insulin. Bệnh hay gặp ở người cao tuổi, người béo, nữ mắc nhiều hơn nam.
Đối với thể bệnh này, insulin do tuyến tuỵ tiết ra có thể đạt được số lượng như người bình thường nhưng lại giảm hoặc không có tác dụng điều hoà lượng glucose trong máu, do có kháng thể kháng insulin chống lại hoặc receptor tiếp nhận insulin trên màng tế bào bị hỏng.
Đây là thể bệnh phổ biến, có tới hơn 90% số người bị ĐTĐ là thuộc typ 2.
BS Tân cũng nhấn mạnh, dù là ĐTĐ typ 1 hay typ 2 các bệnh nhân đều có các triệu chứng: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sút cân.
Ngoài ra người bệnh còn bị khô miệng, khô da, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, rụng tóc và rối loạn kinh nguyệt (ở phụ nữ), vết thương lâu lành, có cảm giác kiến bò ở đầu chi...
Nếu bệnh nhân không được khám và điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nặng và phức tạp ở các phủ tạng.
Bản chất của bệnh ĐTĐ là rối loạn chuyển hoá, do đó người bệnh ĐTĐ cần có chế độ ăn uống hợp lý với tỉ lệ các chất dinh dưỡng đúng như phác đồ điều trị của thầy thuốc.
Kiêng ăn đường tự nhiên, các thức ăn quá ngọt. Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia và các đồ uống có cồn.
N. Huyền