Mập mờ hoàn cảnh những phận đời sống bên vỉa hè Hà Nội: 'Vô gia cư hay không, qua 2h sáng mới biết'
'Vô gia cư' là một vấn đề khá nhạy cảm, chính những người làm công tác xã hội đôi khi cũng khó phân biệt được thật - giả.
Khi màn đêm xuống, nhiều người vô gia cư lại tụ tập trên những con phố chính; Hai Bà Trưng, Phủ Doãn, Tràng Thi, mặc nhiên đây cũng là những điểm đến quen thuộc của các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện.
Những người phụ nữ luôn đi cùng trẻ con
Qua nhiều năm theo dõi, chúng tôi nhận thấy tại đây có rất nhiều người có những hoàn cảnh khác nhau. Trong số họ có những người là vô gia cư, không gia đình thực sự. Số khác thì rất bí ẩn. Tại ngã tư Phủ Doãn – Tràng Thi, đêm đến, rất nhiều người nằm vật vờ trên vỉa hè trước các cửa hàng đã đóng cửa. Không ít người đã rất quen mặt, nhiều năm qua đều lấy vỉa hè nơi đây làm nhà.
Qua tìm hiểu, số này có người là bệnh nhân từ tỉnh lẻ về Hà Nội chữa trị, sau mỗi lần lấy thuốc, đợi đêm xuống họ sẽ tìm chỗ trụ lại để ngày mai tiếp tục đến viện. Hoặc, nhiều người lao động tự do tìm về đây tá túc qua ngày.
Còn tại phố Hai Bà Trưng, một đoạn đường dài, hai bên có rất nhiều nhóm vài người một tập trung lại. Tìm hiểu được biết, số ít người vô gia cư thực sự ở đây còn có nhiều người thường xuyên chỉ tập trung đến khoảng 2h sáng mỗi ngày sẽ giải tán. Vì thời điểm này không có các đoàn từ thiện đi cứu trợ nữa...
Tại ngã tư Quang Trung – Hai Bà Trưng, lúc nửa đêm trời lạnh buốt, PV gặp 2 đứa trẻ vui đùa một cách rất hồn nhiên trên vỉa hè, ngay cạnh đó là người phụ nữ khoảng 40 tuổi. Chị giới thiệu quê ở Thanh Hóa và là mẹ của hai đứa con. Tuy nhiên, khi chúng tôi muốn tìm hiểu rõ hơn nhằm mục đích giúp đỡ, hỗ trợ thì chị này từ chối chia sẻ.
Còn tại ngã tư Thợ Nhuộm – Hai Bà Trưng, cũng có một phụ nữ khác đi cùng 2 đứa trẻ 1 trai 1 gái. Từ nhiều năm nay, cả 3 vẫn thường xuyên có mặt lúc đêm muộn. Điều đặc biệt là người này không bao giờ tụ tập với những người cùng hoàn cảnh, tránh mọi tiếp xúc giữa trẻ con với người ngoài và luôn tỏ ra bồn chồn mỗi khi có lực lượng chức năng đi ngang.
Họ là ai?
Qua trò chuyện với những người dân sống quanh khu vực, chúng tôi bất ngờ khi họ cho biết rất nhiều người trong số chúng tôi vừa tiếp xúc thường xuyên ở đây với mục đích là nhận quà từ thiện, như một nghề chuyên nghiệp suốt nhiều năm qua. Chỉ số ít là vô gia cư và khó khăn thực sự.
"Như người đứng cạnh chiếc xe ga đứng bên kia kìa, đó là giả đấy. Theo dõi từ xa thấy có đoàn từ thiện là đi bộ sang, sau đó lại chở một số đi vòng lên phố kia đón đầu vì đoàn sẽ di chuyển lên đó.
Còn, cái bà lom khom ngồi thú rú kia là vô gia cư thật, ban ngày vẫn lang thang, tắm nhờ chỗ dịch vụ hoặc ngoài công viên… Cái bà áo đen đang châm điếu thuốc kia là giả, lát nữa muộn không còn đoàn từ thiện là rút về…", chị M. một nhân viên bán hàng nhiều năm trước khu vực bệnh viện Việt Đức thông tin.
Người đông, người làm từ thiện thì... không đông bằng, dẫn tới tình trạng những người thực sự khó khăn không khỏi thất vọng. Như trường hợp của anh T. (quê ở một tỉnh xa, mắc bệnh hiểm nghèo), đêm nào anh cũng phải tá túc tại đây vì hoàn cảnh khó khăn, không thể tự thu xếp chỗ ở. Theo anh, mỗi khi đoàn từ thiện tới, những người ốm đau, chậm chạp như anh thường chịu thua thiệt. Nhiều khi men được ra thì quà đã phát hết.
"Mỗi khi có đoàn từ thiện đến, thì có hàng chục người nhao ra bao vây xin hết, đoàn nào có quà thoải mái thì mới đến lượt, nếu đoàn nào phát ít quà thì hết", anh T cho biết, thông tin này là sự thật, từng có bệnh nhân chia sẻ với báo chí, sau đó bị đám người kia dằn mặt.
Cũng như những người nắm rõ quy luật tại đây, anh T tiết lộ, rất nhiều đối tượng vô gia cư đáng nghi ngờ, họ chỉ hoạt động vào giờ cao điểm (khoảng 10h hôm trước đến 1h hoặc 2h sáng hôm sau), rồi mất hút..
Quà từ thiện sẽ đi đâu?
Theo quan sát của chúng tôi, người đến làm từ thiện có rất nhiều hình thức và nhiều nhóm khác nhau. Về thực phẩm, ở đây có lẽ sẽ không khi nào thiếu, thi thoảng lại có có nhóm từ thiện hoặc các cá nhân mang thực phẩm, bánh mì, gói xôi đến tặng cho các hoàn cảnh.
"Tôi muốn những đứa trẻ thấu hiểu được trong xã hội có nhiều người khó khăn, đau khổ, thiếu ăn. Vì vậy, thi thoảng tự tay nấu xôi, kèm thêm miếng thịt và cho hai đứa nhỏ đi cùng để các con chứng kiến", chị Hoa ở quận Hoàng Mai, một trong những nhà hảo tâm, chia sẻ.
Tất nhiên, chị Hoa và tất cả các nhà hảo tâm khác đều mong tấm lòng của mình đến được với những hoàn cảnh thực sự khó khăn. Họ không bao giờ muốn lòng tốt của mình bị lợi dụng, và càng buồn hơn nếu lòng tốt đó bị đem ra trục lợi, thậm chí ăn chặn ngay trước mắt những người thực sự cần đến nó.
"Thấy đoàn nào đi ô tô thì sẽ nhiều quà và thường là chăn, áo, mì tôm, gạo, họ sẽ nhao nhao ra đông hơn. Còn nếu đoàn nào đi xe máy, họ đoán được ngay đó là xôi, bánh, hoặc hộp cơm, thì sẽ không hào hứng lắm", một người dân ở khu vực nắm rõ quy luật cho biết.
Trong lúc đang chia sẻ câu chuyện với chúng tôi, thi thoảng lại có người đi xe máy đến hỏi han nhóm người vô gia cư, chị M cho hay, đây là đối tượng đến "gom hàng".
"Đối với người vô gia cư thực sự, thường thì không có chỗ ở, nhiều quà tặng không có chỗ tập kết, thi thoảng sẽ có người đến mua lại, những người này chuyên nghiệp, mua lại giá rẻ, thậm chí ép bán với giá rất bèo bọt. Nếu quà tặng nhiều quá mà chưa bán được thì họ sẽ đưa vào gửi nhờ ở một số gia đình trong ngõ".
Trước đó, trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND phường Hàng Trống cho biết: "UBND phường Hàng Trống phối hợp với Phòng Lao động Thương binh & Xã hội quận Hoàn Kiếm, cũng như trung tâm bảo trợ đã truy quét một số lần".
Theo lãnh đạo phường, nhiều đối tượng này không phải là vô gia cư, thực ra họ có địa chỉ đàng hoàng nhưng toàn lê la ở đây xin quà từ thiện. Dịp Tết Dương lịch, chính quyền phường đã truy quét 7 đối tượng, trong đó có 2 trẻ em. Sau đó những người này được đưa lên Trung tâm bảo trợ xã hội 1.
Lãnh đạo phường Hàng Trống khẳng định, nhiều người trong số này không phải vô gia cư, họ lang thang xin đồ từ thiện dọc phố Tràng Thi đến khu vực Triệu Quốc Đạt. Hầu hết các đối tượng thường trú ngoại tỉnh.
Theo Nhịp sống Việt