Mánh khóe kinh doanh trên mạng biến 'teen boy' Mỹ thành triệu phú
Một doanh nhân trẻ đến từ Howell bang New Jersey của Mỹ, đã kiếm được gần 2 triệu USD bằng cách bán lại hàng hóa bị thiếu hụt trong đại dịch Covid-19.
The Wall Street Journal đưa tin, thiếu niên này đã bán máy chơi game, bể bơi ngoài trời và máy sưởi với “giá cắt cổ”.
Theo đó, Max Hayden (16 tuổi) trở thành triệu phú thương mại trong khi tỷ lệ thất nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19 gia tăng khắp thế giới. Doanh nhân tuổi teen này đã thấy trước sự gia tăng nhu cầu trong thời gian bị tự cách ly ở nhà. Một số hàng hóa được Hayden nhắm đến và mua chúng trước khi như cầu tăng mạnh. Trong số các mặt hàng này có máy chơi game, tạ, tông đơ cắt tóc, máy sưởi và hồ bơi bơm hơi.
Doanh nhân tuổi teen làm cách nào để trở thành triệu phú? (Ảnh: Max Hayden) |
Khi hàng hóa đã được bán hết trong các cửa hàng, Hayden bắt đầu rao bán số hàng của mình qua Internet với “giá cắt cổ”. Theo báo cáo của Wall Street Journal, Hayden đã tạo ra doanh thu 1,7 triệu USD và lợi nhuận 110.000 USD vào năm 2020. Ban đầu anh chàng đã sử dụng thẻ ngân hàng của mẹ để nhận tiền thanh toán. Năm 2021, chàng trai tuổi teen đăng ký kinh doanh và bắt đầu đóng thuế.
“Một số người gọi việc tôi làm là chênh lệch giá bán lẻ. Đồng thời, tôi cũng đã viết một bài luận cho trường học về chủ đề này”, Hayden chia sẻ.
Cuộc khủng hoảng sức khỏe đã gây ra tình trạng thiếu hụt mọi thứ, từ gói nước sốt cà chua đến bồn tắm nước nóng, phá vỡ toàn bộ ngành công nghiệp và khiến người tiêu dùng thất vọng. Tuy nhiên, chính việc này làm tăng tốc thị trường bán lại, tạo cơ hội cho Hayden và những người khác kiếm tiền bằng cách bán các mặt hàng khan hiếm để kiếm lợi nhuận lớn trên Amazon, Facebook và các trang thương mại điện tử trực tuyến khác.
Bán lại hàng hóa không cần thiết trong hầu hết các trường hợp là hợp pháp, mặc dù các nhà bán lẻ thường tỏ ra khó chịu vì có thể tạo ra xích mích với người tiêu dùng. Những bình luận “gắt” từ những người mua sắm tức giận về mức giá cao ngất ngưởng luôn xuất hiện.
Bố của Hayden cho biết ban đầu ông không thoải mái với thành công kinh doanh của con trai vì anh được hưởng lợi từ tình hình do khủng hoảng sức khỏe tạo ra. Nhưng ông kết luận rằng điều đó là được phép vì con trai ông chỉ bán lại hàng xa xỉ chứ không phải nhu yếu phẩm. “Đó là một sự khác biệt thực sự”, bố của Hayden (61 tuổi) cho biết.
Hayden cho biết, anh dành khoảng 40 giờ một tuần để xử lý các đơn đặt hàng, quản lý hàng tồn kho, giám sát hai nhân viên và nghiền ngẫm các bảng tính. Ngoài việc học lịch sử, vật lý và tiếng Anh từ văn phòng tại nhà, Hayden còn nói chuyện với những người bán lại khác và theo dõi tin tức kinh doanh, chính trị để giúp phát hiện các xu hướng.
Mùa xuân năm ngoái Hayden đã tích trữ tạ và tông đơ cắt tóc khi tình hình Covid-19 nghiêm trọng buộc các phòng tập thể dục và salon tóc phải tạm thời đóng cửa. Vào mùa hè, các hồ bơi bơm hơi trở nên đắt khách. Hayden phải thuê mặt bằng nhà kho vì nhà để xe hai chiếc của gia đình đã chật cứng. Tiếp theo là máy chơi game PlayStation 5 và hệ thống Xbox của Microsoft khi mọi người chơi trò chơi điện tử nhiều hơn bao giờ hết vì bị cách ly ở nhà.
Theo doanh nhân tuổi teen hầu hết các sản phẩm đều có giá gấp đôi. Người phát ngôn của Amazon nói rằng người bán tự đặt giá sản phẩm trong cửa hàng của họ và có các chính sách để giúp đảm bảo người bán định giá sản phẩm một cách cạnh tranh nhất.
Hai gia đình Đông Nam Á giàu lên bất ngờ nhờ mì ăn liền
Hai gia đình Đông Nam Á bỗng chốc có khối tài sản hàng tỉ USD từ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của thương hiệu mì ăn liền Lucky Me tại Philippines.
Thanh Bình (lược dịch)