Ma túy len lỏi trong trường học
Phòng chống ma túy trong trường học |
Từ sử dụng đến mua bán ma túy
Tháng 2/2015, đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Công an quận Ninh kiều vừa bắt khẩn cấp 2 đối tượng là Lại Tấn Đông, Lý Anh Khoa là học sinh trường Trung học Phổ thông Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng và Võ Thị Cẩm Nhung là học sinh vừa tốt nghiệp trường Trung học Phổ thông Phan Ngọc Hiển – Quận Ninh kiều về hành vi mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy.
Theo hồ sơ Công an, đây là 3 học sinh có hạnh kiểm xấu và thường hay trốn học, nhà trường đã nhiều lần nhắc nhở nhưng các em vẫn không chấp hành các nội qui của trường.
Vào chiều ngày 26/2/2015 tại quán cà phê Diệu Ngân trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài thuộc phường An Khánh, Công an bắt quả tang chúng đang giao bán và sử dụng ma túy đá dạng tổng hợp. Tiến hành khám xét nơi ở của các đối tượng tại nhà trọ số 160/44 A phường Hưng Lợi, quận Ninh kiều, công an thu thêm 1 số bịch có dạng bột màu trắng và dụng cụ tiêm chích sang chiết, cân trọng lượng.
Trước cơ quan công an, cả 3 đều khai nhận hành vi của mình do để có tiền tiêu xài, hút chích nên tụ tập với nhau để mua và bán lại ma túy từng tép nhỏ.
Cuối năm 2014, Công an tỉnh Bến Tre đã bàn giao 6 học sinh nam Trường THPT Quản Trọng Hoàng (xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam) dương tính với chất ma túy cho nhà trường xử lý.
Trước đó, nhận được tin báo của người dân, công an đã làm việc với 7 học sinh của trường này để làm rõ nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy. Kết quả kiểm tra có 6/7 học sinh (2 học sinh lớp 12, 4 học sinh lớp 10) dương tính với ma túy.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre, xác nhận 6 học sinh này trong giờ ra chơi đã vào nhà vệ sinh để sử dụng chất ma túy. Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra làm rõ đường dây cung cấp ma túy cho số học sinh này.
Học sinh còn ít hiểu biết về ma túy
Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) đã khảo sát trong 4 tháng (tháng 6-9/2014), với sự tham gia của 1.100 học sinh phổ thông và sinh viên trong phạm vi 5 quận Hà Nội là Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông và Cầu Giấy cho thấy, có đến hơn một nửa số học sinh, sinh viên được hỏi cho rằng ma túy đá không có khả năng gây nghiện, thậm chí hơn 11% đồng ý ma túy giúp tăng cường sức khỏe.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thơm, Phó trưởng phòng tâm lý PSD, đa số em chưa thực sự tự tin với những hiểu biết của mình về ma túy. Cụ thể, chưa đến 5% cho rằng mình rất hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy; hơn 42% tự đánh giá mình không hiểu về nội dung này. Gần 40% khẳng định mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy và rất ít em có khả năng nhận diện ma túy đá. Đây là thực tế rất lo ngại khi các em không có kiến thức để bảo vệ chính mình và người xung quanh.
“Nhận diện” học sinh nghiện ma túy
Ông Nguyễn Thành Công, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện không ít thanh thiếu niên nghiện ma túy là tân dược: Morphine, Immenoctal, Seconal, Diazepam, Seduxen...
Những dấu hiệu cho thấy học sinh nghiện ma túy có thể kể ra như: Sa sút trong học tập nhanh chóng. Bài vở không ghi đầy đủ, sách tập trở nên bê bối khác thường, có hiện tượng ngăn cản phụ huynh liên lạc nhà trường; Trầm tư – khi cáu gắt, bất cập vội vã, đặc biệt rất ngại khi bị kiểm tra vì không lý giải được việc sử dụng quỹ thời gian hàng ngày; Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày có dấu hiệu biệt lập với người thân – không thiết tha với các loại hình sinh hoạt cộng đồng tập thể, mất hứng thú với thể thao, báo chí; Ăn uống thất thường, hay về trễ sau 23 giờ, thường tìm kiếm đồ đạc sau khi đi về và thường lui tới những tụ điểm quán xá không dành cho học trò. Sáng dậy rất trễ, vệ sinh cá nhân lâu khác thường (do táo bón - tiểu gắt). Dần dần da mặt không còn trong sáng, hồng hào. Nhìn kỹ đồng tử (con ngươi) khi giãn to, khi teo nhỏ; Xuất hiện một trong vài cố tật: cắn móng tay sát phao tay, cạo mặt thỉnh thoảng để lộ dấu cắt da, rái tay, nặn mụn, cầm một vật mân mê như không chủ định (các biểu hiện này sau khi đi về, đã no thuốc= “phê”).
Ngoài ra còn một số dấu hiệu có thể nhận biết học sinh đó đã “dính” vào ma túy hay chưa như: Trong cặp sách hoặc túi quần áo thường có dụng cụ dùng sử dụng chất ma túy như: bật lửa, kẹo cao su, giấy bạc; Hay xin ra ngoài đi vệ sinh trong thời gian học tập; Thường tụ tập ở nơi hẻo lánh; Thường hay xin tiền bố mẹ nói là đóng tiền học, quỹ lớp; Hay bị toát mồ hôi, ngáp vặt, ngủ gà ngủ gật, tính tình cáu gắt, da xanh tái, ớn lạnh nổi da gà, buồn nôn, mất ngủ, trầm cảm…; Ngại tiếp xúc với người thân, bạn tốt, có ý xa lánh mọi người; cố tránh các hoạt động vui chơi lành mạnh.
Nguyên nhân dẫn đến học sinh, thanh thiếu niên vướng vào ma túy có nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan như lối sống thực dụng, buông thả, tác động của văn hóa phẩm độc hại … Do thiếu hiểu biết về tác hại của ma tuý nên nhiều em học sinh bị những đối tượng xấu kích động, lôi kéo sử dụng ma tuý, tham gia vận chuyển, mua bán ma tuý. Do muốn thoả mãn tính tò mò của tuổi trẻ, thích thể hiện mình, nhiều em đã chủ động đến với ma tuý. Một số trường hợp do hoàn cảnh gia đình bất lợi như: Bố, mẹ bỏ nhau; gia đình bất hoà, mồ côi cha mẹ hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn... Do buồn chán cô đơn, không làm chủ được bản thân các em đã chủ động tìm đến với ma tuý.
Để giúp học sinh, thanh thiếu niên phòng tránh ma túy, gia đình, nhà trường cần trở thành chỗ dựa tinh thần cho các em; Giúp trẻ phát huy tính tranh đua học tập, và khả năng tự khẳng định mình bằng những hoạt động tích cực, độc lập, đồng thời âm thầm yểm trợ giám sát các em từ phía sau. Cha mẹ cần giúp các em có trách nhiệm với chính mình, tránh chiều chuộng quá mức đồng thời nên trang bị kiến thức về tình dục và ma túy cho các em trong dịp thuận lợi một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, không rao giảng. Giúp các em xử lý một số tình huống giả định thường xảy ra ở tuổi học trò về tình bạn, sự ngộ nhận, đổ vỡ, hụt hẫng...