Lương Tài, Bắc Ninh: Đào tạo nghề gắn với đặc thù của địa phương
Lực lượng lao động ở khu vực nông thôn huyện Lương Tài chủ yếu có trình độ kỹ thuật hạn chế, lao động thủ công là chính và năng suất lao động thấp. Trung bình mỗi năm huyện có hàng trăm người đến tuổi lao động, trong khi đó hiện nay mới chỉ có khoảng 15% số lao động nông thôn được qua đào tạo nghề. Trong khi đó diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp lại để dành chỗ cho các khu công nghiệp, đô thị hoá; nhiều lao động nông thôn lại không có nghề phụ. Điều này là vấn đề đặt ra đối với Lương Tài trong việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, góp phần vào công cuộc xoá nghèo ở địa phương.
Trước thực trạng này, huyện Lương Tài đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề phi nông nghiệp. Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được triển khai thực hiện trên cơ sở xác định cơ cấu lao động, nhu cầu học nghề tại địa phương; danh mục nghề cần dạy. Các cơ quan là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm dạy nghề, các cơ quan, tổ chức đoàn thể, cấp hội địa phương có trách nhiệm trực tiếp phối hợp, liên kết đào tạo nghề. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chuyển từ mô hình đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương.
Cụ thể là đẩy mạnh đào tạo nghề trong sản xuất nông nghiệp, nghề phụ, nghề truyền thống. Để thu hút lao động nông thôn học nghề, tranh thủ nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng có chính sách ưu đãi cụ thể, như hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn, thu hút giáo viên dạy giỏi ở các lĩnh vực, ngành nghề; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề, phòng học lý thuyết, thực hành.
Năm 2012 toàn huyện Lương Tài đã tổ chức tạo nghề cho hàng nghìn học viên học các nghề chủ yếu như chăn nuôi thú y, nuôi trồng thuỷ sản, mộc, nề, điện dân dụng, may công nghiệp, thêu ren kỹ thuật, tin học... Qua việc đào tạo nghề, trình độ tay nghề của người lao động được nâng lên rõ rệt, do vậy hiệu suất lao động nâng cao, mức thu nhập, đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện tăng lên. Đặc biệt có tác động lớn đến giảm thiểu lao động dư thừa nông thôn của huyện./.