Lượng lớn chưa từng có ‘Chim ăn thịt’ F-22 tập kết ở Guam để làm gì?
Mỹ đang điều động một lượng lớn máy bay F-22 chưa từng có đến Guam để tiến hành diễn tập với mục đích được cho là nhằm vào Trung Quốc.
Theo Forbes, Không quân Mỹ đang triển khai một số lượng lớn máy bay chiến đấu hiện đại ở Guam, trong đó bao gồm 22 máy bay chiến đấu tàng hình F-22, đây là đợt triển khai F-22 với quy mô lớn chưa từng có của Mỹ, để thực hiện các hoạt động diễn tập với kịch bản đối phó cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ đang được điều động số lượng lớn đến Guam. Nguồn: Sina. |
Hiện, 10 chiếc F-15E thuộc Phi đội máy bay chiến đấu số 389 tại Căn cứ Không quân Idaho đã hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Anderson ở Guam. Trong khi đó 25 máy bay chiến đấu F-22 từ Phi đội máy bay chiến đấu số 525 tại Căn cứ chung Elmendorf-Richardson ở Alaska và Phi đội máy bay chiến đấu số 199 của Lực lượng Phòng vệ trên không tại Căn cứ chung Trân Châu Cảng – Hickam cũng sẽ sớm đến Guam.
Hai máy bay vận tải C-130J từ Căn cứ Không quân Yokota/Nhật Bản cũng chuẩn bị tới Guam để tham gia cuộc tập trận.
Các máy bay chiến đấu tham gia cuộc tập trận "Pacific Iron 2021" của quân đội Mỹ sẽ được triển khai tại 4 sân bay, bao gồm 3 sân bay trên đảo Guam và 1 sân bay trên đảo Tinian, cách Guam 200 km về phía bắc.
Theo thông tin được Không quân Mỹ công bố, cuộc tập trận lần này nhằm nâng cao khả năng cất hạ cánh của máy bay chiến đấu tại các sân bay đơn giản. Trong những năm gần đây, Không quân Mỹ tỏ ra lo lắng rằng về kịch bản các căn cứ quân sự lớn như Sân bay Anderson ở Guam sẽ bị tấn công bởi hàng chục tên lửa đạn đạo ngay trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột khu vực, điều này làm các máy bay chiến đấu của Mỹ không thể tiến hành cất hạ cánh.
Theo khái niệm mới về "triển khai tác chiến nhanh", Không quân Mỹ sẽ phân tán máy bay của mình ở hàng chục đường băng nhỏ ở Tây Thái Bình Dương. Một số trong số đó, chẳng hạn như sân bay ở tây bắc Guam, để lại từ Thế chiến thứ 2. Khái niệm này nhằm tạo ra khó khăn hơn cho Trung Quốc trong việc sử dụng tên lửa Đông Phong để tấn công lực lượng Mỹ.
Không quân Mỹ tuyên bố rằng "tác chiến nhanh nhẹn" nhằm mục đích sử dụng linh hoạt sức mạnh không quân trong môi trường xung đột khốc liệt, từ đó nâng cao tính răn đe và khả năng tác chiến nhanh.
Mặc dù Không quân Mỹ đã thực hành khái niệm tác chiến phân tán này trong nhiều năm, nhưng hiếm khi có nhiều máy bay chiến đấu như vậy, chứ chưa nói đến nhiều máy bay chiến đấu tàng hình tham gia các cuộc tập trận như vậy.
Theo đánh giá của một số chuyên gia Trung Quốc, F-22 đòi hỏi nhiều công việc bảo dưỡng, điều này khó thực hiện trên đường băng của sân bay không có cơ sở vật chất kiên cố. Do đó, việc điều động máy bay vận tải C-130 tham gia cuộc tập trận là minh chứng cho vấn đề này.
Hạ cánh một loạt F-22 trên một đường băng bỏ hoang và dựng lều cho phi hành đoàn và nhân viên bảo trì là một chuyện có thể thực hiện được, nhưng cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, phụ tùng thay thế và đạn dược cần thiết cho máy bay chiến đấu và phi công là một vấn đề khác.
Để những căn cứ “khiêm tốn” này có thể chuẩn bị kịp thời cho chiến tranh, Không quân Mỹ cần duy trì nguồn cung cấp ổn định.
Ngoài ra, theo ông Leung Kwok-leung, một nhà phân tích quân sự ở Hong Kong, việc Mỹ triển khai một loạt máy bay chiến đấu tiên tiến có thể là nhằm đối phó các máy bay ném bom chiến lược tiên tiến, bao gồm cả máy bay ném bom thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.
Máy bay ném bom chiến lược Xian H-20 thế hệ tiếp theo bí ẩn của Trung Quốc được cho là có thiết kế cánh tàng hình có thể giúp nó tấn công các mục tiêu trong "chuỗi đảo thứ hai" và hơn thế nữa. Chiếc H-20 dự kiến được trang bị tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường, có trọng lượng cất cánh tối đa ít nhất 200 tấn và trọng tải lên đến 45 tấn.
Được biết, Pacific Iron 2021 là một hoạt động của Không quân Mỹ. Mục tiêu của chiến dịch là triển khai các lực lượng đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và huấn luyện họ trở nên "nguy hiểm hơn, thích nghi và kiên cường hơn".
Trung tướng không quân đã nghỉ hưu Dan Leaf, cựu Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và hiện là giám đốc điều hành công ty tư vấn an ninh Phase Minus 1 cho biết, Mỹ chưa từng điều một số lượng lớn máy bay F-22 như vậy trong bất kỳ cuộc tập trận nào trước đây.
F-22 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới, tích hợp công nghệ tàng hình và kết nối hệ thống cảm biến trên máy bay với hệ thống thông tin ngoài máy bay để cung cấp cho phi công thông tin chi tiết về không gian chiến đấu.
Ba Lan mua hàng trăm siêu tăng M1A2 SEPV3 của Mỹ để làm gì?
Ba Lan đang gấp rút mua sắm hàng trăm siêu tăng M1A2 SEPV3 của Mỹ để đối phó với T-14 Armata của Nga, động cơ thực sự đằng sau hành động này là gì?
Đức Trí (lược dịch)