Lừa đảo ngân hàng, tưởng tinh vi hóa ra cũng lộ sự ngây ngô, ngân hàng chỉ chiêu nhận biết đơn giản không ngờ
Hiện nay xuất hiện tin nhắn SMS mạo danh thương hiệu ngân hàng để lừa đảo, khách chỉ cần bình tĩnh nhận biết là có thể tránh được.
Ngân hàng VietinBank vừa gửi thông tin cảnh báo đến các khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng về việc hiện nay xuất hiện tin nhắn SMS mạo danh thương hiệu ngân hàng VietinBank gửi đến khách hàng với mục đích lừa đảo.
VietinBank lưu ý khách hàng không bấm vào các link giả mạo, không đăng nhập dịch vụ VietinBank iPay từ các tin nhắn lạ, không cung cấp Tên truy cập, Mật khẩu, Mã OTP và các thông tin cá nhân của khách hàng; các yêu cầu cung cấp thông tin đều là giả mạo.
Theo đó, khách hàng cần cảnh giác và chỉ giao dịch với VietinBank tại website duy nhất là https://www.vietinbank.vn và ứng dụng iPay Mobile, hoặc liên hệ tổng đài của ngân hàng để được hỗ trợ.
Thông báo chính thức được VietinBank gửi đến khách hàng trong ngày 13/4. |
Được biết, hiện nay đang xuất hiện một loạt các tin nhắn mạo danh VietinBank để gửi đến không chỉ khách hàng của ngân hàng này, các đối tượng lừa đảo còn gửi tin nhắn đến thuê bao của những người không mở tài khoản tại VietinBank.
Điểm chung của các tin nhắn này là đưa ra lời cảnh báo về việc tài khoản của người dùng đang bị kẻ xấu xâm nhập, để bảo vệ tài khoản, người dùng cần khẩn trương truy cập vào một đường link gần giống với website của VietinBank. Nếu người dùng không tỉnh táo, chỉ cần bấm vào đường link và đăng nhập theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo, lập tức tài khoản ngân hàng của người dùng sẽ bị kẻ xấu chiếm đoạt để thực hiện việc chuyển tiền đến một tài khoản khác.
Dưới đây là một số tin nhắn lừa đảo phổ biến được các đối tượng nhắm đến khách hàng của VietinBank. Nếu để ý một chút, người dùng sẽ dễ dàng phát hiện ra đây là tin nhắn giả mạo ngân hàng.
Tin nhắn lừa đảo giả mạo VietinBank được gửi từ VietinBanh |
Khôi hài nhất là tin nhắn nêu trên được cộng đồng mạng chia sẻ trong hai ngày qua. Đầu tiên phải kể đến việc đối tượng lừa đảo đã giả mạo tổng đài VietinBank, nhưng lại viết sai tên nhà băng này. Thay vì viết đúng, tổng đài hiển thị trên màn hình điện thoại lại là.... VietinBanh, một lối viết khiến trò lừa đảo này bỗng chốc trở thành trò cười.
Không những thế, nội dung tin nhắn này còn mắc những lỗi chính tả sơ đẳng như: Dấu chấm câu sau chữ "ngoai" không được viết liền với chữ liền trước; cuối tin nhắn lại không có dấu chấm câu. Đi kèm với tin nhắn SMS này là một đường link giả mạo ngân hàng. VietinBank khẳng định ngân hàng không có website này.
Tin nhắn mạo danh VietinBank mắc hai lỗi chữ cái "b" trong VietinBank không viết hoa theo đúng tiêu chuẩn nhận diện thương hiệu của ngân hàng. |
Một tin nhắn mạo danh VietinBank với đường link lạ hoắc. Tin nhắn này cũng mắc hai lỗi chính tả, thứ nhất, chữ cái "b" trong VietinBank không viết hoa theo đúng tiêu chuẩn nhận diện thương hiệu của ngân hàng. Thứ hai, tin nhắn này cũng thiếu dấu chấm câu.
Với tin nhắn này, đối tượng lừa đảo còn không cần che đậy số điện thoại của mình. Nội dung tin nhắn đánh vào lòng tham của nạn nhân bằng một yêu cầu "hoàn tất mã dự thưởng" tại một đường link lạ, có đuôi VietinBank. Đối tượng cũng mắc lỗi chính tả khi dấu chấm câu sau đường link được viết cách.
Với tin nhắn trên, đối tượng đã khéo léo che đậy bằng đầu số có tên "VietinBank", nhưng nội dung tin nhắn lại viết sai tên ngân hàng (chữ cái "b" không được viết hoa), cũng không có dấu chấm câu khi kết thúc tin nhắn. Hơn nữa, chỉ cần nhìn thoáng qua cũng có thể nhận ra đường link trong tin nhắn không phải là website chính thức của ngân hàng.
Tin nhắn SMS này được gửi đến từ "tổng đài" Viettinbank, đối tượng đã viết thừa một chữ "t" trong tên của ngân hàng. Nhiều khả năng các đối tượng này là một nhóm bởi vẫn mắc lỗi chính tả ở những dấu chấm câu như những tin nhắn trước đó. Tuy nhiên, đường dẫn được gửi trong tin nhắn lại rất dễ khiến nạn nhân nhầm tưởng là website của ngân hàng.
Chưa nói đến đường link có tên miền lạ lẫm, một loạt lỗi chính tả được chỉ ra trong tin nhắn SMS trên. Ngoài việc lỗi chấm câu phổ biến, giữa hai câu lại không có dấu ngắt quãng.
Không chỉ tài khoản của các khách hàng VietinBank mới là đích ngắm của đối tượng lừa đảo. Thời gian qua, một loạt các ngân hàng đã liên tục phát đi các cảnh báo về những hiện tượng lừa đảo mới liên tiếp xuất hiện.
Một số thủ đoạn lừa đảo thường gặp như:
Làm quen và tạo lòng tin, sau đó nhờ mở tài khoản/thẻ, đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử và mua lại với giá cao; nhằm sử dụng vào mục đích lừa đảo, rút tiền mặt tại nước ngoài hoặc chuyển tiền.
Giả danh người thân, bạn bè hoặc khách hàng để gửi các hướng dẫn đăng nhập vào các đường dẫn, trang mạng giả mạo hoặc đề nghị tải các ứng dụng độc hại, từ đó đánh cắp tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực một lần (OTP-One Time Password).
Giả danh là cán bộ công an, viện kiểm sát hoặc an ninh ngân hàng gọi điện thông báo tài khoản bị tội phạm xâm nhập và yêu cầu cung cấp số tài khoản, mật khẩu giao dịch.
Giả danh là nhân viên ngân hàng gọi điện hỏi thăm để tìm cách khai thác thông tin; hoặc thông báo trúng thưởng, yêu cầu hoàn tất thủ tục nhận thưởng bằng cách nạp tiền vào số điện thoại chỉ định/chuyển tiền vào tài khoản của bọn tội phạm.
Ngân Giang
"Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài"- tin nhắn lừa đảo ngày càng tinh vi
"Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài. Nếu không phải là bạn hãy nhập link này để hủy thanh toán", tin nhắn lừa đảo vô cùng tinh vi đánh trúng tâm lý khiến khách hàng có thể dính bẫy