Lớp học tình thương của người thầy khuyết tật lay động hàng triệu trái tim
Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi cũng tìm được đến nhà thầy Bình. Được biết, khi sinh ra thầy Bình cũng là một đứa trẻ kháu khỉnh, đáng yêu như bao đứa trẻ bình thường khác. Thầy Bình cũng có một tuổi thơ đáng nhớ bên cạnh những người thân yêu.
Đến lớp 4, sau một trận sốt cao, cuộc đời thầy Bình như rẽ sang hẳn một hướng khác. Biến chứng do sốt cao, hai tay của thầy Bình dường như bất động, chẳng thể cầm nắm bất cứ vật gì, điều đó đã khiến những người thân trong gia đình thầy rất lo lắng, cố gắng chạy chữa.
Tưởng như bất hạnh chỉ dừng ở đó, thế nhưng, nửa năm sau, đôi chân thầy bình cũng không thể cử động. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên việc chữa chạy cũng bị hạn chế. Và rồi, kể từ đó, thầy Bình sống cuộc đời của một người bại liệt.
Lớp học tính thương của thầy Bình |
Bố thầy Bình mất sớm khi thầy mới chỉ 6 tuổi, một mình mẹ gồng gánh nuôi dạy và chữa chạy cho con. Thầy Bình kể: “Khi phát hiện ra hai chân và hai tay tôi chẳng thể cử động, biết bao đêm tôi chứng kiến những giọt nước mắt âm thầm rơi của mẹ. Rồi thương tôi, sợ tôi bị bạn bè chê cười, mẹ đã khuyên tôi nên nghỉ học ở nhà.
Nghĩ đến cảnh các bạn tung tăng cắp sách tới trường tôi “thèm” lắm. Rồi tôi xin mẹ cho được tiếp tục đi học và hứa không làm mẹ buồn. Thương tôi, cuối cùng mẹ cũng gật gù đồng ý. Thật may, hồi ấy mấy đứa bạn thân trong xóm thấy tôi chẳng thể tự đi nên họ thay nhau đến nhà cõng tôi đi học. Nhiều hôm mưa gió, mấy thằng bạn vẫn qua cõng đi học, hai đứa đến được lớp thì đều ướt sũng như chuột. Những ngày tháng đó là khoảng thời gian tôi sẽ nhớ mãi trong cuộc đời mình”.
Được biết, dù hoàn cảnh đặc biệt nhưng thầy Bình vẫn nỗ lực hết mình và năm nào cũng đạt kết quả cao. Nghĩ rằng những sóng gió của cuộc đời sẽ dừng từ đó, thế nhưng, năm lên lớp 10, mẹ thầy Bình đã quyết định đi thêm bước nữa và đã bỏ lại hai anh em anh bơ vơ.
“Nghĩ lại thời điểm đó, tim tôi vẫn thắt lại. Cảm giác như không còn chỗ dựa nào, hai anh em bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời vẫn là nỗi ám ảnh đối với tôi đến tận bây giờ. Đứa em gái tôi thì ngày đếm khóc trong vô vọng, tôi cũng chẳng làm gì được chỉ biết để em gái dựa vài đôi vai và khóc.
Sau đó, tôi đã nhờ mấy đứa bạn dũng e đưa đi khắp với với một hi vọng duy nhất là tìm lại mẹ nhưng rồi vẫn bạt vô âm tín. Kể từ đó, hai anh em tôi dựa dẫm vào nhau mà sống.
Thế rồi, một ngày hai vợ chồng đứa bạn tôi dắt đứa con sang chơi và than phiền với tôi về tình hình học tập của cháu. Sau đó, ngỏ ý gửi cháu nhờ tôi kèm cặp giúp. Thú thật, lúc đầu tôi cũng hơi băn khoăn, do dự không biết mình có làm được không. Bạn không biết cái cảm giác đầu tiên khi giúp một đứa bé viết những con chữ đầu tiên nó thiêng liêng thế nào đâu.
Và rồi từ đó, bà con trong xóm cứ dẫn trẻ đến nhờ tôi kèm giúp và cũng kể từ đó mọi người hay gọi tôi bằng hai từ thiêng liêng là “thầy Bình”.
Được biết, hơn mười năm qua thầy Bình vẫn miệt mài với việc dạy chữ cho trẻ. Có những thời điểm lớp học của thầy tới vài chục học sinh. Hơn mười năm miệt mài với những con chữ cùng những đứa trẻ nhưng thầy Bình không đòi hỏi một đồng tiền công.
Hiện nay thầy sống bằng 800 nghìn tiền phụ cấp dành cho người khuyết tật, số tiền ít ỏi nhưng thầy dành ra một khoản nhỏ để mua đồ dùng học tập cho các học trò có hoàn cảnh khó khăn.
Được biết, các em học sinh ở thôn Yên (xã Kim Truy, Kim Bôi, Hòa Bình) chủ yếu là dân tộc Mường, vì thế, tiếng Kinh các em nói chưa chuẩn. Bên cạnh dạy chữ, thầy còn dạy các em nói tiếng Kinh để đến trường có thể tiếp thu bài một cách tốt nhất.
Hiện nay, mọi sinh hoạt thầy Bình đều tự làm, điều đặc biệt đã 35 tuổi nhưng thầy vẫn độc thân. Chia tay thầy khi ánh hoàng hôn đã buông xuống, những ánh nắng đã tắt từ lúc nào, nhìn ngôi nhà cấp 4 vắng bàn tay người phụ nữ tôi bỗng thấy xót xa quá…Hi vọng, có một cô gái nào đó cảm thông với hoàn cảnh của thầy để thầy có một chỗ dựa tinh thần tiếp tục công việc dạy chữ…