Loạt triệu chứng khó chịu dù đã khỏi Covid-19 và cách xử lý
Bệnh nhân sau khi điều trị Covid-19 xuất viện về nhà trong 4 tuần đầu có thể còn gặp các trục trặc sức khoẻ như hụt hơi, chóng mặt, mất tập trung, dấu hiệu sương mù não (nhớ nhớ, quên quên), ho ... theo bác sĩ các triệu chứng này là bình thường
Dấu hiệu hậu Covid-19
Chị Nguyễn Quỳnh Ng. 39 tuổi, quận 10, TP.HCM cho biết chị nhiễm Covid-19 từ cuối tháng 7/202 và đã ra viện được 1 tháng. Trong thời gian điều trị, chị Ng. phải thở oxy mất gần 3 ngày. Sau khi ra viện đến nay sức khoẻ chị Ng. đang dần phục hồi nhưng chị vẫn bị những cơn ho hành hạ và cảm giác hụt hơi.
Ví dụ, chị Ng. không thể đi từ lầu 1 lên phòng ngủ trên lầu 3 mà chị phải đi làm 3,4 chặng mới lên tới nơi. Nhiều lúc nói to chị Ng. cũng bị hụt hơi cảm giác khó nói.
Không riêng gì chị Ng, PGS Nguyễn Thị Bay – BV Đại học Y Dược TP.HCM, tư vấn qua tổng đài tư vấn sức khoẻ 1022 của TP.HCM cho biết, bà cũng gặp rất nhiều câu hỏi về tình trạng hậu Covid-19. Có những người khỏi bệnh hơn 4 tuần vẫn gặp phải các hiện tượng mệt mỏi, khó thở.
Khoảng 80% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nhưng với người bệnh đã có triệu chứng khó thở đặc biệt là phải thở oxy, có các can thiệp xâm lấn trong quá trình điều trị thì bệnh nhân cần rất nhiều thời gian để phục hồi dần dần.
Người bệnh hậu Covid-19 có thể gặp các triệu chứng như hụt hơi, chóng mặt, mệt mỏi, khi làm việc tập trung thì không suy nghĩ được, có những dấu hiệu sương mù não (nhớ nhớ, quên quên), ho, đau dạ dày, hay hồi hộp hơn, đánh trống ngực, hay bị ngứa ngoài da, tê bì tay chân…
Các hiện tượng trên theo PGS Bay hoàn toàn bình thường. Virus SARS-CoV-2 khi xâm nhập cơ thể chúng tấn công các cơ quan khác nhau, đầu tiên là hệ hô hấp rồi tới các bộ phận tuần hoàn, hệ tiêu hoá… Vì vậy người bệnh có thể bị ảnh hưởng đa cơ quan, phủ tạng không riêng gì dấu hiệu ho, viêm phổi thông thường.
Đặc biệt, PGS Bay cho biết ảnh hưởng tâm lý của người bệnh Covid-19 rất lớn, nhất là những người bị nặng phải điều trị y khoa. Bệnh nhân Covid-19 có thời gian dài ở bệnh viện không có người thân, họ chứng kiến người khác có thể trở nặng thậm chí tử vong nên dễ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Vì vậy, có nhiều người đã gọi điện xin tư vấn bác sĩ rằng họ mất ngủ, mệt mỏi cả tháng trời sau khi ở bệnh viện trở về.
Những can thiệp y tế cũng ảnh hưởng tới tâm lý người bệnh hậu Covid-19. |
Theo PGS Bay các triệu chứng trên có thể từ từ hết hoặc người bệnh phải thực hiện các liệu pháp phục hồi chức năng như châm cứu, nhĩ châm, các bài tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp. Đặc biệt, các dấu hiệu ho có thể chữa bằng việc sử dụng các món ăn hàng ngày để giảm ho như củ cải trắng, lá hẹ, mướp… giúp thanh nhiệt, giảm các triệu chứng ho.
Tập luyện sau Covid-19
Theo PGS Đỗ Đào Vũ – Phó giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai, với những người bị Covid-19 thể nhẹ và đã được điều trị khỏi thì khi phục hồi chức năng tại nhà bệnh nhân vẫn cần đảm bảo được phục hồi cả về hô hấp và thể lực.
PGS Vũ cho biết người bệnh nên tăng cường khả năng hoạt động cơ thể, ngăn ngừa suy giảm thể chất và tinh thần.
Các biện pháp tăng cường tập thở để thông khí phổi, tập luyện vận động cũng ngăn ngừa nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, các biến chứng do loét tì đè. Bởi Covid-19 gây 1 loạt bệnh cảnh rối loạn đông máu, tắc mạch máu nhỏ vì vậy nếu người bệnh không vận động có thể gây tắc tĩnh mạch sâu, tắc động mạch phổi.
Tập luyện còn giúp người bệnh phục hồi chức năng sinh hoạt và sức khoẻ, người bệnh có thể trở lại cuộc sống hàng ngày, có thể làm việc, tham gia các hoạt động xã hội khác.
Ngay tại BV Dã chiến số 16, các chuyên gia của BV Bạch Mai vẫn hướng dẫn người bệnh tập luyện. BS Vũ cho biết người bệnh được hướng dẫn tập thở, các bài tập vận động chi trên, chi dưới trực tiếp do bác sĩ hoặc điều dưỡng hướng dẫn. Các bài tập rất đơn giản người bệnh cũng có thể tự tập tại nhà qua các video, clip, tờ rơi.
Việc tập luyện cần đảm bảo kiên trì, thường xuyên. BS Vũ cho biết người bệnh cần tập hàng ngày chứ không phải chỉ tập 1, 2 ngày rồi buông luôn. Tập kiên trì từ cường độ thấp tăng dần dần để cải thiện sức bền.
Tập thể dục có thể tập các bài tập giãn cơ, bài tập tăng sức bền của chi trên và chi dưới. Có thể tập tạ hoặc sử dụng chai nước thay thế, dụng cụ phù hợp với thể lực. Tập nhẹ nhàng, nghe ngóng khả năng của cơ thể.
Động tác chống tay vào tường và đẩy ra đẩy vào để cải thiện sức mạnh của chi trên, sức bền, các động tác này cũng giúp cải thiện chức năng hô hấp – PGS Vũ cho biết.
K.Chi