Giảng viên trường y: 'Ăn ngủ online cùng F0, nhiều lúc cũng căng thẳng, stress'
Một tháng qua các giảng viên của trường Đại học Y Dược TP. HCM đã tổ chức các team tư vấn cho F0 online và hỗ trợ F0 tại nhà. Hai team này hoạt động song song, hỗ trợ nhau để kịp thời giúp người bệnh nhanh nhất.
Bác sĩ 'già' ngày đêm online hỗ trợ F0
Khi dịch bệnh xảy ra, PGS Hùng cho rằng, người trẻ xông pha lên tuyến đầu đến với các bệnh viện điều trị Covid-19 thì một bác sĩ về hưu cũng phải tranh thủ online tư vấn hỗ trợ cho F0.
Ăn ngủ online cùng F0
TS Nguyễn Phước Vĩnh – Giảng viên bộ môn Giải phẫu bệnh, trường Đại học Y dược TP.HCM, cho biết khi tham gia vào tư vấn cho F0 anh chỉ nghĩ đơn giản là tư vấn cho người bệnh cách dùng thuốc như thế nào, theo dõi F0 diễn tiến ra làm sao. Tuy nhiên, khi bước vào công việc lại phát sinh đủ thứ chuyện của F0.
Bác sĩ trở thành tổng đài viên thực thụ trả lời trăm thứ của người bệnh từ việc: tôi có được tắm không cho tới tôi ăn gì, tại sao tôi không ngửi được, tại sao tôi không thở được…
Điện thoại luôn phải kè kè suốt 24/24 không bao giờ buông vì người bệnh có thể gọi bất cứ lúc nào. Có những cuộc gọi nửa đêm hỏi cũng khiến bác sĩ “xóc óc”: Tôi đã hết bệnh mười ngày rồi tại sao tôi mệt mỏi, tại sao tôi không ngủ được. Nửa đêm cũng gọi bác sĩ là tôi đi tắm được không…
Bác sĩ đều phải kiên trì cố gắng nghe người bệnh chia sẻ rồi lại trấn an, nói chuyện tư vấn cho họ. Cũng có nhiều trường hợp buồn bác sĩ lấy làm tiếc vì người bệnh liên hệ với bác sĩ quá muộn. Còn người bệnh liên hệ với bác sĩ ngay từ khi dương tính họ được tư vấn sử dụng thuốc đúng, đủ thì đa số đều vượt qua.
Tham gia tư vấn cho bệnh nhân online nhưng cũng bận rộn suốt ngày. Có lúc bác sĩ chẳng ăn trọn bữa cơm, chẳng ngủ được vì điện thoại tin nhắn liên tục. Có người báo tin tình hình sức khoẻ cũng có bệnh nhân mới “cầu cứu”. Bác sĩ có lúc cũng căng thẳng, stress vì cứ định nằm nghỉ tý lại có người gọi điện hỏi vì sao tôi lại mất vị giác, bác sĩ ơi tôi không thở được, bác sĩ ơi xông như này đúng không… Dù rất căng thẳng nhưng các bác sĩ đều hi vọng giúp được F0 và gia đình nhiều nhất. Họ là những giảng viên trường y và giờ thành những tổng đài viên 115 với đủ các tình huống của người bệnh.
BS Vĩnh cho biết ông hi vọng 10 ngày tới dịch sẽ tạm ổn hơn, kiểm soát được tốt hơn để mọi người trở lại cuộc sống bình thường.
Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, các giảng viên, sinh viên trường ĐH Y Dược TP.HCM chung tay cùng chống dịch. |
Niềm vui khi người bệnh xách hành lý trở về
Tham gia team 2 của trường Đại học Y Dược tức team tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Bác sĩ Lê Phước Truyền – Giảng viên Bộ môn Nhi, trường Đại học Y dược hiện cũng đang hỗ trợ Bệnh viện dã chiến tại quận 8 làm công việc điều phối tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.
Một tháng qua, anh và các đồng nghiệp đều không có ngày nào nghỉ và ai cũng làm việc hết công suất. Người bệnh khi mắc Covid-19 họ hoang mang lo lắng tìm tới bác sĩ vì vậy các bác sĩ dù rất bận với công việc khác vẫn cố gắng hỗ trợ người bệnh.
Công việc của team bác sĩ Truyền là khi có thông tin từ team 1 tư vấn online chuyển qua sẽ nhận thông tin người bệnh rồi cử bác sĩ xuống tận nhà người bệnh hỗ trợ bệnh nhân chuyển viện. Những ngày đầu, phương tiện đi lại còn rất khó khăn. Nhưng hiện tại thì phương tiện đã được giải quyết.
Điều các bác sĩ team 2 gặp khó nhất đó là nhà của người bệnh ở các con hẻm. Khu vực Quận 8 lại nhiều khu dân cư ở các con hẻm bé xíu, đầu hẻm mà có gác chắn là các y bác sĩ lại lặn lộn tìm đường khác để vào tiếp cận với bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân chưa cần nhập viện sẽ cho bệnh nhân thở oxy. Bệnh nhân cần nhập viện thì y bác sĩ lại vận chuyển bệnh nhân tới BV dã chiến tại quận 8. Có những lúc đi nửa tiếng mới ra tới xe để về viện. Có những người bệnh nằm trên gác 2, gác 3 bác sĩ cũng rất cực để đưa bệnh nhân xuống.
Làm công tác hồi sức tích cực nhiều năm, bác sĩ Truyền cho biết ranh giới nào cũng trải qua và công việc hiện tại ai cũng làm hết sức với trách nhiệm của người thầy thuốc.
Hình ảnh người bệnh ra viện luôn là niềm vui với các y bác sĩ. |
Có những ca bệnh họ tự đi xe gắn máy tới vội vàng chạy vào “bác sĩ ơi cứu tôi…”, có bệnh nhân thì đi xe cứu thương, đủ các bệnh nhân họ đều cố gắng tìm tới bệnh viện để có thể được bác sĩ hỗ trợ. Nhìn cảnh đó, bác sĩ nào cũng cố gắng làm việc vì họ đã tìm tới mình thì mình phải gắng hết sức có thể.
Điều vui nhất đó là mỗi lần người bệnh ra viện. Cảm giác BS Truyền thấy thực sự hạnh phúc khi đứng đằng xa nhìn những người bệnh mới hôm nào thập tử nhất sinh, nay họ vui vẻ xách đồ ra về, còn chạy với vẫy tay cảm ơn bác sĩ coi như người tái sinh lần thứ 2. Cảm xúc đó với các bác sĩ là niềm vui duy nhất trong tâm dịch, bao bộn bề vất vả lại lùi hết ở phía sau.
GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, với mô hình này, đảm bảo các yếu tố, người bệnh được theo dõi thường xuyên mỗi ngày; khi cần cấp cứu, hướng dẫn hỗ trợ người bệnh đến tuyến trên kịp thời.
Theo mô hình này, lực lượng y, bác sĩ, nhân viên,… được chia làm 2 đội. Trong đó, team 1 tư vấn sàng lọc F0 tại nhà, thường xuyên mỗi ngày nắm bắt tình hình của bệnh nhân, nếu ghi nhận ca bệnh chuyển nặng sẽ chuyển thông tin đến team 2 đưa đi cấp cứu.
Tại trạm cấp cứu này, nếu bệnh nhân khỏe lại sẽ đưa về nhà, còn nếu không ổn sẽ đưa bệnh nhân đến các bệnh viện điều trị Covid-19 của TP.HCM. Mô hình này giúp F0 an tâm ở nhà chăm sóc và theo dõi sức khỏe, giảm tải cho tuyến trên.
GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn chia sẻ với mô hình này, giúp bác sĩ nhận diện tình trạng bệnh để chuyển viện đúng tầng, làm giảm tải các khu cách ly, bệnh viện điều trị Covid-19. Đặc biệt, xử lý kịp thời những trường hợp F0 trở nặng giúp tăng cơ hội sống cho người bệnh. Bên cạnh đó, mô hình chỉ cần sử dụng các ứng dụng hiện nay như viber, zalo… là có thể thực hiện được.
Nén nỗi đau mất mẹ, chàng trai F0 tình nguyện ở lại viện chăm sóc người bệnh
Không nề hà, bất cứ khi nào các F0 cần là Trường lại lao vào giúp đỡ họ không quản ngại, từ việc cho ăn uống tới vệ sinh cá nhân.
Mong mỏi khỏi bệnh về nhà nhưng phút chót chàng trai 10X tình nguyện ở lại chăm F0
Với những bệnh nhân Covid-19, nhận thông báo được xuất viện đó là niềm vui vô bờ bến, mong ước ngày đó từng giờ, nhưng không ít người đến phút chót đã thay đổi quyết định, xin ở lại làm tình nguyện viên chăm sóc F0.
Khánh Chi