Loạt thương nhân phân phối bị rút giấy phép, có lo thiếu xăng dầu?
Thương nhân phân phối xăng dầu "chèn ép" chủ cây xăng?
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định thu hồi hàng loạt Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của nhiều thương nhân. Đó là Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng, Công ty CP Thương mại Dầu khí Đại Long, Công ty TNHH Thương mại xây dựng và Vận tải Quảng Hà, Công ty CP Xăng dầu An Hữu Trà Vinh, Công ty CP Dầu khí Rồng Vàng, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Petro Oil An Giang.
Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 27/2. Những doanh nghiệp trên phải nộp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu trước ngày 15/3.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, hai thương nhân phân phối là Công ty cổ phần Thương mại Xăng dầu, Dầu khí Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Phú tại tỉnh Hải Dương cũng phải trả lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối sau thời gian dài không hoạt động xăng dầu.
Ngày 17/11/2022, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có văn bản báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị thu hồi Giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Hải Hà, do công ty này đã đóng cửa từ đầu năm 2022 đến nay.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện có khoảng hơn 300 thương nhân phân phối xăng dầu. "Giấy phép” do Bộ này cấp.
Thế nhưng, trong thời gian vấn đề xăng dầu là điểm nóng, nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng nặng nề như suốt năm 2022, thì vai trò của các thương nhân phân phối rất mờ nhạt. Thương nhân phân phối có thể được mua từ nhiều thương nhân đầu mối. Tuy nhiên, khi gián đoạn nguồn cung xảy ra, hệ thống này không thể hiện được trách nhiệm, thậm chí bị tố “o ép” các chủ cây xăng.
Trong đơn kiến nghị tập thể mới nhất gửi đến các cấp lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã phản ánh những bất cập trong quan hệ với thương nhân phân phối xăng dầu.
Theo đó, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau 1, 2 năm đổi nhà phân phối khác, họ vẫn bị chèn ép chiết khấu. Bởi nhà phân phối biết, rằng nếu doanh nghiệp bán lẻ không lấy hàng của họ thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác. “Doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu”.
Một điểm bất hợp lý được các chủ cây xăng chỉ ra, đó là thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, làm chủ chuỗi cung ứng của chính họ. Họ được hưởng quyền lợi về giá (tính định mức lợi nhuận) và được lấy hàng ở nhiều nơi, chủ động được nguồn hàng; khi tham gia thị trường họ có thể cắt chiết khấu cho khách hàng để giữ chân khách.
“Còn doanh nghiệp bán lẻ như chúng tôi, mặc dù là ký làm đại lý cho họ nhưng không trực thuộc họ mà tự hạch toán doanh thu, lỗ lãi, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, không có chiết khấu cho khách dẫn đến mất khách hàng”, các doanh nghiệp phản ánh.
"Bỏ thương nhân phân phối cũng không sao"
Bộ Công Thương đang tiến hành sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quốc gia. Theo đó, hình thức thương nhân phân phối tiếp tục được duy trì.
Nội dung về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu được sửa đổi theo hướng: Được mua xăng dầu từ 3 đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hHợp đồng mua bán xăng dầu, thay vì không giới hạn các nguồn như hiện nay. Thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu có trách nhiệm cập nhật, báo cáo thông tin, số liệu tại hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Nếu sửa Nghị định 83 và Nghị định 95 mà chỉ sửa về giá thì không ổn. Giá chỉ là một vấn đề. Vấn đề thứ hai là điều kiện kinh doanh xăng dầu. Làm sao để không xảy ra tình trạng như vừa qua, là thời điểm khó khăn thì thương nhân đầu mối “bỏ rơi” thương nhân phân phối, khi đó thương nhân phân phối lại “bỏ rơi” các cửa hàng, đại lý.
Vì sao lại xảy ra tình trạng vỡ trận như vừa qua? Theo các chuyên gia, một trong những lý do là thương nhân phân phối có thể ký với bất kỳ thương nhân đầu mối nào, trong khi thiếu sự ràng buộc. Khi gặp khó khăn nguồn cung, thương nhân đầu mối chỉ lo cho các thương nhân phân phối, các cửa hàng trong hệ thống của mình, còn lại bỏ rơi các thương nhân phân phối không thường xuyên mua hàng. Cho nên, xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho các cửa hàng nằm ngoài hệ thống của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối.
Việc Bộ Công Thương đề xuất cho thương nhân phân phối nhập hàng của tối đa 3 đầu mối, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng "điều quan trọng là phải có sự ràng buộc trách nhiệm". Thương nhân phân phối cần phải đăng ký với thương nhân đầu mối sản lượng lấy hàng mỗi năm và cần tuân thủ sản lượng này. Điều đó sẽ giúp đầu mối chủ động nguồn hàng, có trách nhiệm với thương nhân phân phối. Ngoài ra, thương nhân phân phối phải đăng ký hệ thống phân phối của mình với đầu mối và phải có trách nhiệm với các cửa hàng bán lẻ mua hàng của mình. Khi đó, mỗi cấp đều có trách nhiệm với nhau, có trách nhiệm chia hoa hồng cho nhau để giữ được hệ thống.
“Nếu không có ràng buộc thì cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm”, ông Thỏa chia sẻ và cho rằng “nếu bỏ hình thức thương nhân phân phối để giảm các khâu trung gian cũng không vấn đề gì".
Lương Bằng