Loại quả phổ biến trong mâm cơm người Việt, những ai tuyệt đối không nên ăn?
TS. Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam cho biết, cà tím chứa nhiều dinh dưỡng nhưng cũng chứa solanine, nicotine có hại với cơ thể.
Trong một nghiên cứu gần đây cho thấy, hàm lượng của hợp chất solasonine và các kiểu biểu hiện của gen solasodine galactosyltransferase (SGT1) được đánh giá trong các mô khác nhau (lá trưởng thành, nụ hoa, quả non, trưởng thành và chín sinh lý) của hai kiểu gen cà tím Iran (D1 và J10 ) trong điều kiện hiện trường.
“Phần khối lượng tối đa của solasonine trong D1 được phát hiện trong nụ hoa (135,63 µg/g), tiếp theo là lá (113,29 µg/g), quả chín sinh lý (74,74 µg/g), quả non (61,33 µg/g), và quả trưởng thành (21,55 µg/g).
So sánh cả hai kiểu gen, kiểu gen của quả đắng (J10) chứa phần khối lượng solasonine cao hơn, là một trong những yếu tố chính để tạo ra hương vị đắng của cây.
Về cấu trúc biểu hiện của SGT1, ở cả hai kiểu gen, hoạt động của gen được tăng lên gần như song song với nồng độ solasonine. Ở kiểu gen J10, mức độ phiên mã của gen cao hơn hẳn kiểu gen quả ngọt (D1).
Mặc dù cả hai kiểu gen D1 và J10 đều có thể được khuyến nghị dùng làm thực phẩm cho con người, nhưng D1 phù hợp hơn cho chế độ ăn uống hàng ngày”, TS Ngô Đức Phương thông tin.
Ngoài ra, Viện trưởng Viện thuốc nam cũng nhấn mạnh, trong họ cà nói chung thì hạt chứa chất solanin, solasonin, solasodin sẽ có độc.
Đặc biệt là các hạt cà già có lớp vỏ rất khó phân hủy qua hệ tiêu hóa của động vật, do đó khi ăn nếu không nhai nát hạt ra thì hạt của nó có thể bám vào thành dạ dày không tiêu được, lâu ngày có thể hình thành các ổ viêm loét ở niêm mạc dạ dày...
Ngoài ra, các glycoalkaloid có trong cà tím là chất chuyển hóa thứ cấp độc hại có thể có có hại đến sức khỏe con người, đặc biệt nếu hàm lượng các glycoalcaloid cao hơn mức an toàn thực phẩm được khuyến nghị (200 mg/kg khối lượng tươi).
Cũng liên quan đến loại quả khá phổ biến này, theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, bên cạnh tác dụng hỗ trợ quá trình tạo hồng cầu và ngăn ngừa thiếu máu do trong thịt quả cà tím chứa nhiều vitamin như A, C, các vitamin nhóm B và nhiều khoáng chất vi lượng như K, Mg, Fe, Zn, Ca, Mn thì Solanine trong cà tím có vị đắng và độc với cơ thể.
Trong đông y, cà có vị ngọt tính hàn, hơi độc. Tác dụng mát gan, lợi mật, nhuận tràng, thường được khuyên dùng cho người bị nhiệt chứng, khô đắng miệng, hoặc táo bón. Tuy nhiên người thể trạng hư nhược, các bệnh thuộc hàn chứng, trẻ nhỏ thì nên hạn chế ăn cà tím.
"Không nên ăn quá nhiều cà tím, dù là ăn sống, nước ép hay cà tím đã qua chế biến, chỉ nên tầm 200 gram mỗi lần, 2-3 bữa một tuần vì trong cà tím có chứa solanine là một chất vị đắng và có độc với cơ thể, ngoài ra cà tím còn chứa một lượng nicotine cao hơn bất kỳ loại trái khác", bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Cách dùng đúng là nên ngâm cà tím với một ít dấm hoặc muối trước khi chế biến hoặc dùng chanh và nên ăn kèm đa dạng các món khác để làm giảm hoạt tính của các chất này.
Người có tiền căn dị ứng, hen suyễn, cơ địa dễ tạo sỏi thận thì nên hạn chế sử dụng do trong cà tím còn có chứa một lượng oxalate có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi, chứa một số hoạt chất tác dụng như histamin gây ra tình trạng ngứa viêm miệng và tăng mẫn cảm.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên ăn cà tím kèm các loại thức ăn có tính hàn khác như cua ghẹ, hải sản, thịt vịt, ngan, ếch, ốc,… Nên dùng nhiệt ở mức vừa khi chế biến cà tím, nhiệt độ quá cao hoặc việc chiên với nhiều dầu sẽ làm giảm 50% giá trị dinh dưỡng của cà tím.
N. Huyền