Hà Nội: Lo ngại ùn tắc khi đường Vành đai 2 thông toàn tuyến trên cao
Trong lộ trình đi làm hàng ngày, anh Bùi Văn Nam (ở Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên phải đi qua đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở. Để lưu thông qua được nút giao Ngã Tư Sở, hiện tại anh Nam phải mất từ 10-15 phút, do mật độ phương tiện quá cao.
Theo anh Bùi Văn Nam, tới đây, khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao đoạn cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, chắc chắn lượng phương tiện đổ dồn về đây sẽ rất lớn: "Rõ ràng là khi một chiều mà thông, còn một chiều kia không thông thì sẽ tạo ra một nút thắt, đặc biệt khi đường Vành đai 2 trên cao được thông tuyến nữa thì mật độ, lưu lượng ô tô trên đấy di chuyển rất nhanh, đến điểm xuống gặp nút thắt lưu lượng giao thông chậm lại thì cũng là một điểm gây ùn tắc giao thông khá lớn".
Chia sẻ với PV Infonet, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, tính đến tháng 10 năm nay, trên địa bàn quận Thanh Xuân và Hà Đông có hơn 210 chung cư, nhà cao tầng, tăng hơn 60 tòa chung cư so với năm 2018, chưa kể hàng loạt tòa nhà đang xây dựng, sắp đưa vào hoạt động, khiến áp lực về hạ tầng giao thông khu vực này luôn bị quá tải.
Thời gian tới, khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao, chắc chắn áp lực giao thông đối với khu vực này, đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Trãi, Ngã Tư Sở sẽ gia tăng tính phức tạp:
"Khi thông xe thì tuyến Nguyễn Trãi của chúng tôi sẽ phức tạp hơn bởi lượng phương tiện ở đường trên cao xuống đông, sẽ bị giao cắt với lượng phương tiện từ Nguyễn Trãi đi vào trung tâm. Vì vây, chắc chắn tình hình sẽ phức tạp hơn", Thiếu tá Nguyễn Minh Đức cho hay.
Theo ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, để tránh gây ùn tắc diện rộng khi đường vành đai này đi vào hoạt động, ngành Giao thông đã nhiều lần họp bàn tìm phương án tối ưu tổ chức giao thông tại hai điểm lên xuống của tuyến đường Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng. Sở sau đó nghiên cứu giải pháp phân luồng từ xa, phương tiện đi đường trên cao có thể phải hạn chế tốc độ.
Theo ông Thường, xem xét phương án tổ chức giao thông cho nút Ngã Tư Sở, cần nghiên cứu trục xung quanh như đường Trường Chinh - Láng - Yên Lãng - Láng Hạ - Lê Văn Lương; Tây Sơn - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến.
Ông Thường giải thích, khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao, phương tiện cả trên cao và dưới thấp cùng lúc đổ xuống Ngã Tư Sở rồi đi ra đường Láng. Trong khi đường Láng chỉ rộng 10,5m mỗi chiều; thiết kế lưu lượng giao thông tối đa chỉ 3.000 phương tiện/giờ nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.
"Việc tổ chức giao thông chỉ là ngọn, để giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông phải xuất phát từ quy hoạch, sử dụng đất, phân bổ dân cư và phát triển giao thông khối lượng lớn", ông Thường nói.
Ông Thường cho hay, Hà Nội có khoảng 10 triệu dân với 7 triệu phương tiện, trong đó có 1 triệu ôtô. Số ôtô trong 10 năm qua tăng gấp 30 lần. Trung bình mỗi năm phương tiện tăng 4 - 5%, trong khi quỹ đất dành cho giao thông đô thị tăng 0,28%.
Ông Thường nói, một TP 10 triệu dân thì phải có metro, nhưng hiện mới có một đoạn tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động và dự kiến đoạn tuyến Nhổn - ga Hà Nội hoạt động năm 2023. Theo quy hoạch GTVT, Hà Nội có 10 tuyến metro, nhưng thực tế cho thấy suất đầu tư metro rất lớn, khoảng 100 triệu USD/1km, trong khi nguồn ngân sách đầu tư công có hạn.
"TP dù rất quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng nhưng tính toán của ngành Giao thông cho thấy vốn đầu tư công chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đầu tư cho hạ tầng giao thông", ông Thường thông tin.
Hà Nội đang dồn lực thực hiện đường Vành đai 4. Dự án không chỉ mang tính chất vành đai liên vùng mà còn để tái cấu trúc đô thị, giãn dân ra khỏi nội đô và kết nối hai TP trực thuộc Thủ đô trong tương lai. Đường Vành đai 4 cũng giúp giảm tải Vành đai 3, khi đó Vành đai 3 chỉ đóng vai trò vành đai đô thị chứ không là vành đai liên tỉnh cộng đô thị như hiện nay.
Trước mắt, để giải quyết 37 điểm ùn tắc giao thông (27 điểm từ trước và 10 điểm mới phát sinh), ông Thường cho biết Sở đã tái lập tổ công tác liên ngành về tổ chức và chống ùn tắc giao thông. Tổ họp hàng tuần để nghe báo cáo thực tế ngoài hiện trường, sau đó xem xét thảo luận, đưa ra phương án tổ chức giao thông, giải quyết dứt khoát từng “điểm đen”. Với những trục đường lưu lượng giao thông lớn, tổ chức đếm xe và áp dụng phần mềm mô phỏng để có cơ sở khoa học và thực tiễn tổ chức giao thông.
Dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả phần mở rộng dưới thấp có tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng. Trong đó, tuyến Vành đai 2 trên cao có chiều dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.
Đường Vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội tổng chiều dài 43,6km. Đường chạy qua các điểm khống chế: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy.
Bảo Khánh