Lộ diện ngân hàng được 'chọn mặt gửi tiền' nhiều nhất
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2024 của 30 ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của các ngân hàng này đạt 7,21%, với tổng lượng vốn cho vay đạt 12,328 triệu tỷ đồng.
Cùng kỳ, tổng lượng tiền huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế thông qua 30 ngân hàng này đạt 12.309 tỷ đồng, tăng 3,79% từ đầu năm.
4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV) dẫn đầu thị trường về huy động vốn. Tổng lượng tiền gửi tính đến 30/6 đạt 6,36 triệu tỷ đồng. Tổng cho vay và huy động của nhóm này chiếm 52% tổng dư nợ cho vay và huy động của cả 30 ngân hàng cộng lại.
Do 5 ngân hàng SCB, Dong A Bank, OceanBank, GPBank, CB không công bố báo cáo tài chính nên bức tranh về thị phần cho vay và huy động của ngành được đề cập chỉ mang tính tương đối.
Ngân hàng big4 dẫn đầu hút tiền
Về tổng lượng vốn huy động của toàn thị trường, 4 ngân hàng quốc doanh dẫn đầu một cách tuyệt đối. Trong đó, Agribank tiếp tục là ngân hàng được người dân “chọn mặt gửi tiền” nhiều nhất với 1,837 triệu tỷ đồng tính đến 30/6.
Số tiền gửi vào Agribank tăng 0,91%, nhưng tính chung toàn bộ vốn huy động được tại Agribank chiếm đến 14,9% thị phần huy động toàn ngành ngân hàng.
BIDV đứng thứ hai toàn ngành về tổng lượng vốn huy động với 1,786 triệu tỷ đồng, tăng 5,99% so với cuối 2023 và chiếm 14,51% thị phần huy động.
Với 1,464 triệu tỷ đồng huy động đến cuối tháng 6, VietinBank đứng thứ ba, tăng 3,89%, nắm giữ 11,89% thị phần huy động.
Dù đứng thứ tư về lượng vốn huy động, lên tới 1,376 triệu tỷ đồng, nhưng huy động khách hàng của Vietcombank lại giảm nhẹ 1,81% so với cuối năm ngoái. “Ông lớn” này đang nắm giữ 11,17% thị phần huy động.
Đáng chú ý, dù lãi suất huy động của nhóm big4 luôn thấp nhất thị trường nhưng việc các nhà băng này dẫn đầu về thị phần huy động cho thấy lãi suất không phải là yếu tố hấp dẫn nhất đối với người gửi tiền.
Nhóm các ngân hàng dẫn đầu về thị phần cho vay cũng tiếp tục dẫn đầu về thị phần huy động. Ngoài 4 ngân hàng quốc doanh, Top 10 về huy động còn có: MB 617.000 tỷ đồng, tăng 8,34%; Sacombank 544.000 tỷ đồng, tăng 7,5%; ACB 513.000 tỷ đồng, tăng 6,15%; Techcombank 484.000 tỷ đồng, tăng 5,84%; VPBank 473.000 tỷ đồng, tăng 6,6% và SHB 455.000 tỷ đồng, tăng 2,4%.
6 nhà băng sụt giảm huy động
Ngoài Vietcombank, nhóm các ngân hàng bị suy giảm về huy động so với cuối năm 2023 còn có TPBank (giảm 2,5%), PVCombank (giảm 1,44%), Viet A Bank (giảm 0,34%), ABBank (giảm 14,52%) và Saigonbank (giảm 0,17%).
Xét về tăng trưởng huy động, LPBank dẫn đầu với mức tăng lên tới hơn 21%. MSB đứng thứ hai với mức tăng trưởng huy động đạt 14,65%. NCB đạt mức tăng trưởng 11,16% so với cuối năm 2023. Các ngân hàng còn lại đều đạt mức tăng trưởng huy động dưới 10%.
Tính theo con số tuyệt đối, Saigonbank và PGBank cũng là hai ngân hàng xếp cuối về con số huy động trong 6 tháng đầu năm, lần lượt đạt 24.127 tỷ đồng (giảm 0,1%) và 37.391 tỷ đồng (tăng 4,65%).
HUY ĐỘNG KHÁCH HÀNG CỦA 30 NHTM 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024 | |||
STT | NGÂN HÀNG | HUY ĐỘNG (Nghìn tỷ) | TĂNG/GIẢM SO VỚI CUỐI 2023 |
1 | AGRIBANK | 1.837 | 0,91% |
2 | BIDV | 1.786 | 5,99% |
3 | VIETINBANK | 1.464 | 3,89% |
4 | VIETCOMBANK | 1.376 | -1,81% |
5 | MB | 617 | 8,34% |
6 | SACOMBANK | 544 | 7,50% |
7 | ACB | 513 | 6,15% |
8 | TECHCOMBANK | 484 | 5,84% |
9 | VPBANK | 473 | 6,60% |
10 | SHB | 455 | 2,43% |
11 | HDBANK | 386 | 4,26% |
12 | LPBANK | 288 | 21,35% |
13 | VIB | 248 | 4,66% |
14 | TPBANK | 203 | -2,53% |
15 | PVCOMBANK | 175 | -1,44% |
16 | EXIMBANK | 163 | 4,27% |
17 | NAM A BANK | 153 | 5,54% |
18 | MSB | 152 | 14,65% |
19 | SEABANK | 150 | 3,35% |
20 | OCB | 131 | 4,47% |
21 | BAC A BANK | 120 | 1,07% |
22 | VIETBANK | 93 | 3,97% |
23 | VIET A BANK | 86 | -0,34% |
24 | ABBANK | 85,5 | -14,52% |
25 | NCB | 85,5 | 11,16% |
26 | KIENLONG BANK | 59 | 2,63% |
27 | BVBANK | 58 | 0,60% |
28 | BAOVIET BANK | 57 | 7,62% |
29 | PGBANK | 37 | 4,65% |
30 | SAIGONBANK | 24 | -0,17% |
Nguồn: BCTC quý II/2024 các NHTM | Tổng: 12.309 | 3,79% |