Lĩnh vực nào thiếu minh bạch, lĩnh vực đó có nguy cơ rửa tiền cao!
Theo ông Thành, luật Phòng, chống rửa tiền của chúng ta được áp dụng chưa lâu, mới chỉ có hiệu lực từ năm 2013 và thực tế là Luật này chưa được thực hiện nhiều. Chuyên gia kinh tế và chính sách của VEPR thẳng thắn chỉ ra rằng khả năng thực thi luật về phòng, chống rửa tiền của Việt Nam còn kém.
Các giao dịch chủ yếu được thanh toán bằng tiền mặt là cơ hội để tội phạm rửa tiền lợi dụng. Ảnh: Internet |
Lý do được dẫn chứng đơn giản bởi hạ tầng tài chính của Việt Nam gồm: hệ thống thanh toán qua mạng, hệ thống thanh toán qua tín dụng, thông tin tín dụng cá nhân và tín dụng doanh nghiệp còn yếu. Hơn nữa, hiện nay, hầu hết các giao dịch chủ yếu được thanh toán bằng tiền mặt.
“Những hạn chế trên tạo nên sự yếu kém trong hệ thống hạ tầng tài chính, do đó chúng ta thực hiện việc phòng, chống rửa tiền gặp nhiều khó khăn,” ông Nguyễn Đức Thành nói.
Khoản 1, Điều 7, Thông tư 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền. Theo đó, các tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước, quốc tế phải báo cáo cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra, vào Việt Nam giá trị từ 1.000 đô la Mỹ trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.
Bình luận về quy định này, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, có lẽ cơ quan chức năng về phòng, chống rửa tiền cần phải nghiên cứu xem quy định này đề ra liệu đã phù hợp đối với hoạt động trong lĩnh vực tài chính nói chung và của các ngân hàng cũng như doanh nghiệp hay không. Nếu báo cáo giao dịch không bảo đảm được bí mật cho hoạt động của ngân hàng thì rất khó để ngân hàng hợp tác.
“Chưa cần nói đến hoạt động phòng, chống rửa tiền, đơn giản bởi trong 100 giao dịch thuộc diện phải báo cáo theo quy định, nhưng có tới 99 giao dịch là tốt và chỉ có 1 giao dịch bị cho vào "danh sách đen" vì nghị là giao dịch đáng ngờ thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho qua hết thay vì họ phải báo cáo từng giao dịch một cho thêm phức tạp trong hoạt động.”, ông Nguyễn Đức Thành nói.
Đánh giá về thực tế rửa tiền hiện nay, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng hoạt động rửa tiền diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực nếu như không muốn nói là rửa tiền diễn ra trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực thiếu tính minh bạch và giao dịch trực tiếp diễn ra nhanh hơn.
Tại Việt Nam, hầu hết các giao dịch hiện được thực hiện bằng tiền mặt là chủ yếu. Nhưng cũng không phải cứ giao dịch chuyển khoản là không có hoạt động rửa tiền vì hiện tại chúng ta chưa thể kiểm soát được hết các hoạt động giao dịch của cá nhân hay tổ chức, một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là kiểm soát được nguồn gốc tiền từ đâu ra...