Liên tục rơi vào cảnh sợ hãi nhìn đâu cũng thấy virus hậu Covid-19
Mắc Covid-19 từ tháng 1/2022 nhưng đến nay chị Nguyễn Thị Xuân (Cầu Giấy, Hà Nội) rơi vào cảnh mệt mỏi và liên tục sợ hãi.
Anh Mạnh (chồng chị Xuân) kể vợ mình nhiễm Covid-19 từ đồng nghiệp. Sau cách ly ở nhà 2 tuần thì tâm lý của vợ anh thay đổi rất nhiều. Từ người hoạt bát, thoải mái, không quá hoảng sợ về Covid-19 thì khi trải qua Covid-19, chị Xuân thay đổi hẳn.
Theo anh Mạnh, vợ anh liên tục hoảng sợ từ sợ virus, vi khuẩn. Ở nhà hay cơ quan chị xịt cồn, rửa tay liên tục dù bong cả niêm mạc da nhưng chị vẫn xịt và rửa. Cứ 5 – 10 phút anh lại thấy vợ cầm bình cồn xịt tay xoa xoa rồi xịt máy tính, điện thoại, dù trong nhà chẳng có ai mắc Covid-19. Lúc nào chị cũng ám ảnh tái nhiễm và luôn miệng nói 'tái nhiễm sẽ nặng lắm'. Còn sợ hơn cả khi chị chưa mắc Covid-19.
Con cái chỉ cần đi ra mở cửa, không đeo khẩu trang chị cũng cáu gắt với bọn trẻ. Lúc nào chị cũng sợ đám đông, đến mức không dám đi chợ. Trong khi, trước khi mắc Covid-19 hoàn toàn bình thường.
Về đêm, vợ anh mất ngủ liên miên. Liên tục dán mắt vào điện thoại. Dù chồng động viên đi ngủ nhưng vẫn không đi. Khi anh Mạnh phát hiện mình dương tính, anh thì bình tĩnh còn vợ anh khóc rưng rưng vì sợ hãi.
Suốt hai tuần tự cách ly trong phòng, có lẽ chị Xuân bị sang chấn tâm lý cộng với mắc virus khiến chị sốt cao suốt 5 ngày, đau đầu, sau khi khỏi bệnh người lúc nào cũng mệt mỏi, chán ăn. Đêm mất ngủ và chị than thở hay bị bóng đè, mơ ngủ… lúc nào cũng ám ảnh mình bị Covid-19.
Sau khi mắc xong Covid-19, nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm. |
Vì vậy, anh Mạnh đưa vợ đi kiểm tra hậu Covid-19. Tại BV bác sĩ kiểm tra không có bất thường gì. Nhưng khi trò chuyện với bệnh nhân, bác sĩ thấy chị Xuân có biểu hiện của trầm cảm nên khuyên anh Mạnh đưa vợ đi kiểm tra sức khoẻ tâm thần.
Trường hợp của chị Đỗ Vân Anh – quận Gò Vấp, TP.HCM cũng tương tự. Sau khi khỏi Covid-19, chị Vân Anh rơi vào trầm cảm. Ảnh hưởng của Covid-19 xong, chị lại bị điều chuyển công việc từ kế toán viên sang làm xuất nhập khẩu.
Vì chưa có kinh nghiệm trong công việc nên chị vô cùng áp lực. Cộng với Covid-19 quét qua cả gia đình, con gái 5 tuổi liên tục phải đi viện vì viêm phổi, viêm VA… đủ lý do khiến chị Vân Anh mất ngủ, đau đầu. Khi đi khám bác sĩ, bà mẹ trẻ như trực khóc vì cảm thấy chán nản, không tìm được ý nghĩ của cuộc sống..
Mắc Omicron rồi có lo tái nhiễm Delta không?
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM và tại Hà Nội, hiện nay biến chủng Omicron chiếm ưu thế, đặc biệt là biến chủng Omicron BA.2 hay còn gọi biến chủng Omicron tàng hình.
Theo BSCKII. Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM số lượng người bệnh có di chứng sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 ngày càng nhiều. Mỗi buổi, khoa tiếp nhận từ 8-10 người bệnh thì có khoảng 50% người bệnh từng mắc Covid-19.
Ngoài ra, BS Minh cho biết nhiều người chưa từng nhiễm Covid-19 nhưng bị nhiều yếu tố tiêu cực từ dịch bệnh kích hoạt các vấn đề về sức khỏe tâm thần như phụ nữ sau sinh, trẻ em. Đặc biệt, tỷ lệ có xu hướng tăng cao ở trẻ nhỏ do bị nhốt trong nhà quá lâu, không được đi học, tiếp xúc nhiều với ti vi, điện thoại…
Khi người bệnh có biểu hiện của rối loạn tâm thần, bác sĩ Minh cho biết người thân đóng vai trò khá quan trọng đối với người bệnh có di chứng sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 vì sống gần gũi và được người bệnh tin tưởng.
Nếu có kiến thức và quan tâm đúng mức, người thân có nhiều cơ hội phát hiện sớm những biểu hiện bệnh của người nhà.
Ngoài ra, cần lưu ý thái độ của người thân đối với người bệnh. Tình thương và kiến thức về bệnh cũng như cách xử trí đúng đắn sẽ giúp người bệnh không bị kỳ thị, xa lánh. Cần có sự thông cảm, nâng đỡ và đồng hành với người bệnh trong tiến trình hồi phục.
Nếu thấy bản thân hay người khác có vấn đề tâm lý sau nhiễm Covid-19, nên gọi đến các tổng đài hỗ trợ tâm lý của các bệnh viện tại TPHCM hoặc các tổ chức, hiệp hội về hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần.
Cần thực hiện những hoạt động tích cực, lành mạnh, điều độ để tăng khả năng hồi phục sức khỏe thể chất, tâm lý và xã hội…
BS Minh đưa ra kinh nghiệm người bệnh có thể vượt qua yếu tố ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần. Ba việc cần làm để tinh thần khởi sắc trong đại dịch:
1. Cân bằng lại nhịp sinh học cũ trước giãn cách xã hội như ăn, ngủ, làm việc, thể chất.
2. Chia sẻ cảm xúc tiêu cực với người thân, bạn bè.
3. Cân bằng về mặt xã hội bằng cách duy trì kết nối xã hội không đứt đoạn.
Khánh Chi