Mắc Omicron rồi có lo tái nhiễm Delta không?
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM và tại Hà Nội, hiện nay biến chủng Omicron chiếm ưu thế, đặc biệt là biến chủng Omicron BA.2 hay còn gọi biến chủng Omicron tàng hình.
Không ít người thắc mắc về việc đã khỏi Covid-19 có khả năng miễn dịch trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng nhưng lại có trường hợp người tái dương tính sau khoảng thời gian chỉ 1 tháng và điều cựu F0 lo nhất là có tái nhiễm với chủng Delta hay không?
Gia đình chị Khổng Thị Mai (Hà Đông) đang cách ly vì Covid-19, trong khi tất cả mọi người mắc Covid-19 không mất vị giác, khứu giác thì riêng nhà chị Mai 4 người nhiễm bệnh thì 3 người vẫn đang mất vị giác, khứu giác.
Chị Mai cho rằng đó là biến chủng Delta. Hiện chị lo lắng tái nhiễm với chủng Omicron. Khi chị Mai lo lắng như vậy, những người đã tiếp xúc với chị lại lo tái nhiễm chủng Delta từ chị.
Theo TS Phạm Hùng Vân – Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM, biến chủng Omicron chiếm ưu thế nhưng biến chủng Delta vẫn tồn tại song song. Hiện còn một số người mắc biến chủng Delta chứ không phải Omicron hoàn toàn.
Tuy nhiên, khi mắc biến chủng Omicron rồi thì người nhiễm không còn lo sẽ tái nhiễm với biến chủng Delta. Các nghiên cứu những người trước đây nhiễm Covid-19 do biến thể Delta hay Alpha thì hiện nay vẫn có thể tái nhiễm biến thể Omicron, hay nhiễm Omicron BA.1 vẫn có thể tái nhiểm Omicron BA.2 hay BA.3 nhưng hiếm hơn.
Omicron 'tàng hình' sẽ kết thúc đại dịch?
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng chủng Omicron tàng hình lây lan nhanh sẽ là biến thể virus cuối cùng để kết thúc đại dịch Covid-19.
Theo BS Trương Hữu Khanh – Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, hiện nay, người bệnh đa phần là nhiễm Omicron. Một người đã nhiễm Omicron rồi thì rất hiếm khi tái nhiễm với chính Omicron mà sẽ tái nhiễm với chủng mới. Kể cả biến thể phụ Omicron BA1 hay BA.2, BA.3 hay sau này thêm BA. 4, 5 thì khó nhiễm trong 1 biến chủng. Theo một nghiên cứu của Đan Mạch thì tỉ lệ chỉ là một vài phần triệu.
Còn người bệnh nhiễm Delta rồi có thể tái nhiễm Omicron, tỉ lệ chừng 5%-10% nhưng cũng nhẹ. Tái nhiễm nhẹ là vì lần mắc bệnh trước cũng đã cung cấp cho cơ thể một lượng kháng thể nhất định rồi, mà bản chất Omicron là nhẹ.
Còn nhiễm Omicron thì không sợ tái nhiễm Delta nữa. Mặt khác, hiện nay biến chủng Delta có thể đã biến mất trong một số cộng đồng. Bởi lẽ, biến chủng nào lây lan nhanh thì sẽ đè át biến chủng cũ.
Nhiều người e ngại biến chủng Delta vì nghĩ nó gây bệnh nặng hơn, nhưng theo TS Vân thì khó có thể nói là Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta vì hai thời điểm mắc bệnh ở cộng đồng có khác nhau.
Người mắc biến thể Delta trước đây là ở thời điểm chúng ta chưa có thuốc chủng ngừa, do vậy mà có một tỷ lệ cao những người có yếu tố nguy cơ bị diễn tiến nặng. Còn nhiễm Omicron ở giai đoạn hiện nay là đa số đã được tiêm chủng ngừa nên tỷ lệ người bị diễn tiến nặng rất thấp.
Đến nay, nhiễm Omicron hay Delta ở những người không có nguy cơ và đã được chích vắc xin thường có biểu hiện khá nhẹ nhàng, chủ yếu là ớn lạnh, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau rát cổ họng và tồn tại trong vài ngày rồi khỏi. Triệu chứng mất mùi và mất vị giác thì ở người nhiễm Omicron thường không có so với người nhiễm Delta.
Ảnh minh hoạ. |
Người bệnh cần lưu ý để phát hiện được những người có thể có nguy cơ trở nặng thì giải pháp cũng là bằng cách theo dõi dấu hiệu giảm SpO2. Nếu chỉ số vẫn trên 95% thì nên yêu cầu họ đi bộ trong thời gian 5 đến 10 phút để phát hiện được những người giảm SpO2 tiềm ẩn (lúc này SpO2 sẽ giảm dưới 95%) và điều trị kịp thời.
Riêng thuốc kháng virus dạng uống hiện nay như Molnupiravir hay Favipiravir thì chỉ nên sử dụng trong 5 ngày đầu và nên chỉ định cho những người nguy cơ có dấu hiệu trở nặng như ho nhiều, mệt nhiều, không giảm sốt và SpO2 giảm dưới 95%.
Với F0 khỏi bệnh được coi như tiêm 1 mũi vắc xin, TS Vân cho biết, nghiên cứu của Hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM kháng thể trung hoà người tiêm đủ vắc xin và mắc Covid-19 lên tới 90 %.
F0 khỏi bệnh sẽ có kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền.
Tuy nhiên, nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh lại chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc một F0 khác mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm.
Phương Thúy
Biến thể Omicron tàng hình: Thời gian âm tính lâu, né được test nhanh?
Theo các chuyên gia, gọi là biến thể Omicron 'tàng hình' nhưng trên các nghiên cứu không phải là 'tàng hình' thực sự với các loại xét nghiệm.
Cách khắc phục tình trạng ăn không ngon, ngủ không yên nhiều người mắc hậu Covid-19
Trong chế độ dinh dưỡng, cựu F0 cần ưu tiên ăn đủ chất đạm. Một người cân nặng khoảng 50 kg ăn trung bình 200g thịt, cá; 300-400g các loại rau quả, mỗi ngày.
Khỏi Covid-19, tôi phát hiện mình có bầu thì nên bỏ hay giữ thai?
Nếu mắc Covid-19 mà lại có thai trong 3 tháng đầu thì sẽ làm tăng tỷ lệ sảy thai, thai lưu nhưng với những trường hợp bà mẹ mắc Covid-19 ở thể nhẹ thì không ảnh hưởng gì đến thai nhi.